Dân khu Đông TP.HCM mệt mỏi chờ các cầu Thủ Thiêm

Những năm trở lại đây, khu vực phía Đông TP.HCM (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức) ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mọc lên kéo theo một lượng dân cư đông đúc chuyển về sinh sống.

Dân số tăng nhanh dẫn tới hệ quả là không riêng đường hầm Thủ Thiêm mà các trục đường từ phía Đông TP.HCM ra vào trung tâm TP đều quá tải, nghẹt cứng trong giờ cao điểm.

Ba trục đường chính đều tắc

Để ra vào trung tâm TP.HCM, người dân sống ở quận 2, 9, Thủ Đức và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… hầu như phải đi theo ba trục đường chính. Đó là từ xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn, đi đường Mai Chí Thọ qua hầm Thủ Thiêm hoặc đi theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi/Bình Triệu.

Trong ba tuyến đường trên, đường thuận lợi nhất, vào trung tâm nhanh nhất là Mai Chí Thọ. Chính vì vậy, đa số phương tiện từ xa lộ Hà Nội hoặc đi từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đều rẽ vào đường này, qua hầm Thủ Thiêm để vào trung tâm. Điều đó gây ách tắc ở khu vực hầm Thủ Thiêm như những ngày qua. Trong khi cầu Thủ Thiêm 1 lại không phát huy hiệu quả vì tình trạng ùn ứ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng.

Nếu lựa chọn đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn, người đi đường sẽ gặp khổ tại ngã tư Thủ Đức và ngã tư MK. Đây là khu vực tập trung rất đông các loại xe đầu kéo container, xe tải nên tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù ngã tư Thủ Đức được mở rộng, xây thêm cầu vượt thép nhưng vẫn không thể giải tỏa hết lượng xe ngày càng tăng.

Trong khi đó, nếu đi theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi để vào quận Bình Thạnh, dòng xe lại bị nghẽn tại các giao lộ Phan Văn Trị, Lê Quang Định. Còn đi hướng qua cầu Bình Triệu 2 lại gặp khó ở khu vực Bến xe Miền Đông. Ra khỏi điểm tắc này, người đi đường lại rơi vào điểm nghẽn ở giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng. Hướng ngược lại, để đi được từ ngã tư Hàng Xanh ra Phạm Văn Đồng vào giờ cao điểm, hàng chục ngàn người sẽ phải chen chân từng chút một trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Người dân khu Đông đang trông chờ các cây cầu Thủ Thiêm sớm được xây để ra vào trung tâm TP dễ dàng hơn. Đồ họa: HỒ TRANG

Những giải pháp cấp bách

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá: Tốc độ phát triển dân số nhanh ở khu Đông TP khiến hạ tầng không đáp ứng kịp. Và việc chậm triển khai các dự án cầu, đường kết nối khu Thủ Thiêm với trung tâm TP là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. “Ngành GTVT cần gấp rút xây dựng các cầu Thủ Thiêm theo quy hoạch đã đề ra nhằm kết nối giao thông giữa trung tâm TP với khu vực phía Đông. Đặc biệt, cần phải đẩy nhanh tiến độ cầu Thủ Thiêm 2 - đây là kết nối quan trọng nhất giữa TP và phía Đông Sài Gòn” - TS Võ Kim Cương nói.

Tất cả trục đường từ quận 2, 9, Thủ Đức ra vào TP đều đang bị quá tải trong giờ cao điểm. Không biết vài năm tới, khi hàng loạt chung cư ở khu vực này hoàn thành, kéo theo hàng chục ngàn người tới ở thì người dân sẽ đi đường nào. Tôi hy vọng ba cây cầu Thủ Thiêm sớm được triển khai, hoàn thành để giảm tải giao thông cho khu vực phía Đông.

Ông LÝ VĂN HỢPngụ phường Trường Thạnh, quận 9 

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, thắc mắc không hiểu vì sao các dự án cầu đường ở khu Đông đều đã được quy hoạch cụ thể nhưng chậm triển khai hoặc thi công chậm. Nhưng vấn đề chính yếu là ngành GTVT cần có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu Đông có tầm nhìn lâu dài và đồng bộ với hạ tầng sẵn có. Nếu xây mới hàng loạt cầu mà thiếu kết nối với hạ tầng hiện hữu thì vừa gây lãng phí, vừa không giải quyết được ùn tắc.

Trước mắt, TS Phạm Sanh đề xuất một số giải pháp cấp bách: Cần mở rộng làn xe hai bánh ở các tuyến đường, dỡ bỏ trạm thu phí ở đầu hầm Thủ Thiêm, điều tiết xe lưu thông sang đường Trần Não - cầu Thủ Thiêm 1. Về lâu dài, phải đẩy mạnh phát triển xe buýt, sớm đưa metro số 1 vào hoạt động và di dời Bến xe Miền Đông ra ngoại thành.

Ngày 20-12, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Trước mắt đã tổ chức lại giao thông trong đường hầm Thủ Thiêm để tránh ùn ứ vào giờ cao điểm. Sở cũng đang sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh để đáp ứng mật độ giao thông trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, hầm chui - nút giao ĐH Quốc gia sắp khánh thành sẽ giúp giao thông qua xa lộ Hà Nội thông thoáng hơn. Tuy nhiên, hướng gỡ tối ưu cho tình trạng ùn ứ ở khu Đông là xây dựng thêm các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4.

Trông chờ vào các cây cầu

Ông Vũ Xuân Nguyên cho hay cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 đã làm lễ động thổ vào tháng 2-2015, do Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.260 tỉ đồng. Theo dự kiến, cầu phải xây xong trong năm 2018 nhưng hiện tiến độ thi công chậm vì phải chờ giải phóng mặt bằng. Có thể cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành vào năm 2019.

“Đơn vị đang thi công xử lý nền đất yếu làm đường dẫn vào cầu phía quận 2. Phía quận 1 thì chưa thi công được vì chờ Nhà máy Ba Son bàn giao mặt bằng và Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Cây cầu này rất quan trọng bởi sẽ nối trực tiếp trung tâm TP với khu đô thị Thủ Thiêm nói riêng và khu Đông TP nói chung” - ông Nguyên nói.

Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản, quận 4 nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện UBND TP.HCM giao liên danh Tổng Công ty Thái Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản VN nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 theo hình thức đối tác công tư - PPP. Hiện chưa thể xác định thời gian khởi công và hoàn thành.

Tương tự, dự án cầu Thủ Thiêm 4, bắt đầu từ khu vực cảng Tân Thuận Đông, quận 7 qua quận 2 vẫn còn trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT, UBND TP và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự án xây cầu này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm