Đang xử phúc thẩm cựu đại tá biên phòng ‘bảo kê’ xăng lậu kêu oan

(PLO)- Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, kêu oan trong vụ án “bảo kê” đường dây xăng lậu của ông trùm Phan Thanh Hữu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án “bảo kê” xăng lậu xảy ra tại một số đơn vị thuộc cảnh sát biển Việt Nam.

Phiên tòa được mở do hai bị cáo kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang và em họ Nguyễn Văn An.

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 7-2022, ông Thế Anh bị phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, kháng cáo kêu oan. Ảnh: Tòa án

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, kháng cáo kêu oan. Ảnh: Tòa án

Ngoài ra, nhiều bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, gồm: Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh), Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Trà Vinh), Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh)… Ở phiên tòa sơ thẩm, nhóm này bị phạt từ ba năm sáu tháng đến 16 năm tù về tội nhận hối lộ.

Tại tòa hôm nay, HĐXX triệu tập bốn nhân chứng, trong đó có "trùm xăng lậu" Phạm Thanh Hữu, người vừa bị TAND tỉnh Đồng Nai phạt 16 năm tù về tội buôn lậu; và Cao Phước Hoài, người bị tòa sơ thẩm phạt sáu tháng 21 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội không tố giác tội phạm, nhưng không kháng cáo.

Các bị cáo tại tòa ngày 27-12. Ảnh: Tòa án

Các bị cáo tại tòa ngày 27-12. Ảnh: Tòa án

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.

Trong đó, Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng Phòng xăng dầu Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) góp vốn 5 tỉ đồng để cùng nhóm của Hữu buôn lậu xăng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Tính đến thời điểm bị phát hiện, ông Thoại cùng với nhóm của Hữu buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III với tổng giá trị gần 2.800 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít. Hữu được hưởng lợi 105 tỉ đồng, ông Thoại hơn 22 tỉ đồng…

Ngoài ra để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, CSGT…

Trong đó, hai cựu tư lệnh Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng; Phạm Văn Trên nhận 1 tỉ đồng…

Riêng với Nguyễn Thế Anh, bị cáo này không trực tiếp nhận hối lộ mà thông qua em họ của mình là Nguyễn Văn An nhiều lần cầm tiền của Phan Thanh Hữu. Sau khi “ông trùm” bị bắt, Thế Anh chi tiền, hướng dẫn, nhờ người tổ chức cho An trốn ra nước ngoài.

Quá trình xét xử, hai cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh thừa nhận hành vi sai phạm, bày tỏ sự ăn năn hối hận.

Riêng cựu đại tá Nguyễn Thế Anh vẫn phản đối cáo buộc của VKS đến cùng. “Bị cáo từng bị tội phạm gí súng vào đầu, bị trả thù dẫn đến trên người mang nhiều thương tật, thử hỏi có dễ dàng bị mua chuộc không? Bị cáo đã nhiều lần yêu cầu VKS đối đáp về thủ tục tố tụng, vị trí, chức năng của bị cáo nhưng VKS chỉ trả lời chung chung... Bị cáo thấy không thuyết phục, nếu HĐXX không xem xét, bị cáo sẽ kêu oan suốt đời” - bị cáo Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm