Chiều 8-2, phóng viên (PV) đang lưu thông trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12, TP.HCM) thì xe bất ngờ cán phải đinh. Tấp vào tiệm sửa xe gần đó để sửa, chúng tôi đã xác định ngày Tết hẳn là các dịch vụ đều sẽ tăng giá ít nhiều.
Thế nhưng sau khi vá ruột xe xong, chủ tiệm sửa xe vẫn vui vẻ lấy chi phí là 15.000 đồng, giống như ngày thường. PV ngạc nhiên hỏi: “Tết nhất không tăng giá hả anh?” thì anh thợ sửa xe cười hiền nói: “Tăng gì anh ơi, kinh tế năm nay chưa được khởi sắc, có doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ sớm nên ảnh hưởng tới thu nhập. Thôi thì trước đây vá ruột xe lấy giá sao giờ lấy vậy, coi như chia sẻ khó khăn chung với mọi người” - người vá xe nói.
Đem câu chuyện kể cho bạn bè nghe, một người liền lên tiếng: “Hồi sáng tôi cũng bị xẹp bánh xe bên quận Gò Vấp, TP.HCM. Vá xong chủ tiệm chỉ lấy 20.000 đồng, bằng số tiền tôi vá ruột xe trước đó gần hai tháng. Trong khi tôi nghĩ ngày Tết họ phải tăng giá ít nhất 30.000 đồng”.
Tiếp đó, chúng tôi ghé vào tiệm cắt tóc trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM. Sau khi "làm đẹp" cho khách, chủ tiệm vẫn lấy giá 45.000 đồng, bằng với giá cắt tóc ngày thường. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên hỏi: “Anh vẫn lấy giá cũ, không tăng à? Tết nhất anh tăng giá không ai phàn nàn đâu”.
Anh thợ cắt tóc bày tỏ: “Tết năm nay nói chung ai cũng khó khăn nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Lấy giá cắt tóc như ngày thường đồng nghĩa tôi san sẻ một ít cho những người gặp khó khăn vậy mà.”
Không chỉ PV may mắn gặp được những người chủ tiệm có tâm như vậy. Một người quen cũng kể câu chuyện đi cắt tóc cuối năm giá vẫn như ngày thường bởi chủ tiệm làm tóc nói: "Tăng thêm 15.000, 20.000 đồng ăn cũng hết, lấy giá cũ coi như chia bớt một phần khó khăn mà mọi người đang gánh”.
Chiều cuối năm, những câu chuyện nhỏ về tình nghĩa đong đầy giữa người với người cho dù xa lạ khiến chúng ta ấm lòng hơn, cùng sẻ chia khó khăn chung trong những ngày Tết Nguyên đán đang đến.