Những ngày qua, xoay quanh việc thu phí BOT đoạn quốc lộ 1A qua An Sương-An Lạc nổi lên nhiều câu hỏi nóng. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP và ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO - IDI, nhà đầu tư, khai thác đoạn đường), để làm rõ hơn các vấn đề được dư luận quan tâm.
Giao cho IDICO-IDI làm các cầu vượt là hợp lý
. Phóng viên: Lẽ ra việc thu phí BOT đoạn An Sương-An Lạc đã kết thúc vào ngày 31-1-2017 nhưng vào các năm 2010 lại phát sinh thêm việc lần lượt xây dựng bốn cầu vượt tỉnh lộ 10 và 10 B, hương lộ 2, Lê Trọng Tấn. Dư luận cho rằng đây là sự ưu ái của các cơ quan chức năng theo kiểu “đẻ” ra việc để nhà đầu tư IDICO-IDI được kéo dài thời gian thu phí?
+ Ông Nguyễn Văn Tám: Từ sau năm 2005, trong quá trình khai thác dọc tuyến được đô thị hóa nhanh; khu dân cư, khu công nghiệp phát triển mạnh nên các điểm giao cắt đồng mức trên tuyến trở thành điểm nóng về kẹt xe, tai nạn giao thông của TP. Trước tình hình trên, ngay từ các năm 2005 đến 2010, TP đã đề ra chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, trong đó có các điểm nóng, điểm đen trên tuyến quốc lộ 1A qua An Sương-An Lạc. Việc sớm xây dựng các cầu vượt khác mức trở nên cấp bách. Vì vậy không thể nói các sở, ngành, trong đó có Sở GTVT “đẻ” ra việc.
. Nhưng sao việc xây dựng các cầu vượt lại không giao hoặc chọn lựa qua đấu thầu giữa các nhà đầu tư mà lại giao cho IDICO-IDI?
+ Ông Nguyễn Văn Tám: UBND TP giao IDICO-IDI thực hiện các hạng mục bổ sung là trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh hợp đồng BOT đã có trước đó. Cạnh đó, các cầu vượt bổ sung này không phải là một dự án mới độc lập mà nằm trong tổng thể của dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc. Các cầu vượt này cùng nằm trong không gian mặt bằng xây dựng, quản lý, khai thác nên nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ phải thêm trạm thu phí để nhà đầu tư mới thu hồi vốn phần làm cầu vượt. Nếu như vậy, trong một đoạn gần 14 km mà có hai trạm thu phí thì không phù hợp với các quy định hiện hành. Trong trường hợp giả định có nhà đầu tư mới làm cầu cùng thu ở trạm hiện hữu thì việc bóc tách từ quản lý, khai thác đến tài chính để thanh toán cho nhà đầu tư làm đường riêng, nhà đầu tư làm cầu riêng là rất phức tạp. Vì vậy, việc giao cho IDICO-IDI làm các cầu vượt và tiếp tục quản lý, khai thác, thu phí, duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống cầu, đường trên tuyến là hợp lý.
. Vị trí đặt trạm chính và năm trạm thu phụ có phù hợp?
+ Ông Nguyễn Văn Tám: Vị trí đặt trạm thu chính và năm trạm thu phụ từ các nhánh đường đi vào trục chính An Sương-An Lạc đã được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2005. Khi xây dựng các cầu vượt cũng không có sự thay đổi. Riêng trạm thu chính đặt ở Km 1906 + 700 thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được lựa chọn lúc đó là do có mặt bằng rộng, dài và đến nay dù tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng xe lưu thông cũng tăng nhưng mặt bằng trạm này vẫn đáp ứng được 6-7 làn xe cho mỗi chiều.
Thu phí không dừng (ETC) nhằm tạo minh bạch, công khai trong thu phí BOT ở trạm An Sương-An Lạc. Ảnh: LƯU ĐỨC
Được tự tổ chức thi công hoặc đấu thầu
. Theo nhiều thông tin, sau khi được giao đầu tư làm bốn cầu vượt, có cầu IDICO-IDI tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, có cầu thì không?
+ Ông Nguyễn Hồng Ninh: Theo quy định, nhà đầu tư có toàn quyền quyết định việc tổ chức thực hiện công trình bằng hình thức tự tổ chức thi công hoặc đấu thầu, chỉ định nhà thầu thi công. Với hai cầu vượt tỉnh lộ 10 và 10B thực hiện xây dựng từ sau năm 2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 thì IDICO-IDI có tổ chức đấu thầu rộng rãi, chọn nhà thầu thi công. Với hai cầu vượt hương lộ 2 và Lê Trọng Tấn được thi công năm 2014 và 2017 thì IDICO-IDI tự tổ chức lực lượng thi công, không qua đấu thầu, chỉ định thầu. Xin nói rõ IDICO-IDI là liên doanh gồm ba đơn vị: Công ty Xây dựng dầu khí, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 và 6 (Cienco 8 và Cienco 6). Cienco 8 và 6 là hai đơn vị mạnh trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường của Bộ GTVT nên việc IDICO-IDI tự tổ chức ra đơn vị chuyên trách xây dựng các cầu vượt, làm đường và thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tuyến An Sương-An Lạc là phù hợp tiềm lực và quy định pháp luật. Thực tế chứng minh với hai cầu vượt hương lộ 2 và Lê Trọng Tấn, đơn vị thi công của IDICO-IDI làm chỉ mất sáu tháng thay vì 12 tháng.
. Có ý kiến cho rằng nhiều xe chỉ đi đoạn ngắn nhưng phải trả phí cho đi suốt tuyến?
+ Ông Nguyễn Hồng Ninh: Theo quy định, với các trạm thu phí mở như ở An Sương-An Lạc khi sử dụng dịch vụ thì các phương tiện phải đóng phí một lần nên anh có đi một đoạn hay toàn tuyến thì cũng chỉ đóng phí một lần, cho một hướng thôi. Nhưng ở An Sương-An Lạc có một số chính sách như xe của người dân ở trong khu vực phục vụ cho sinh hoạt thì được miễn phí, chỉ thu phí với xe phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc những xe đi vào tuyến, trả hàng rồi trong vòng 12 tiếng (trước đây là ba tiếng) đến nút giao liền kề quay lại thì chỉ thu phí một lần, không thu phí hai lần cho hai chiều.
. Xin cám ơn hai ông.
Thời điểm chấm dứt thu có thể sớm hơn 2033 Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết theo phương án tài chính của một dự án BOT thì thời gian thu phí được xác định dựa vào chi phí xây dựng công trình, chi phí vận hành bảo dưỡng, thời điểm bắt đầu thu và doanh thu. Bốn cầu vượt có chi phí xây dựng khác nhau và thời điểm bắt đầu thu khác nhau. Như cầu vượt tỉnh lộ 10, 10B bắt đầu thu từ tháng 2-2017; cầu vượt hương lộ 2 từ tháng 1-2015 (có điều chỉnh tăng giá); cầu vượt Lê Trọng Tấn thu từ 1-1-2020. Thời điểm ngưng thu cho các công trình này là năm 2033. Nhưng đây không phải là thời điểm đã được chốt lại. Trong quá trình thu, nếu việc thu phí hoàn vốn sớm hơn phương án tài chính do lượng xe qua tuyến tăng lên thì thời điểm chấm dứt thu có thể sớm hơn, trước năm 2033. Kiểm soát tiền thu mỗi ngày trước đây căn cứ theo số sêri cùi vé phát ra và giữ lại cuối mỗi tháng với sự giám sát chặt chẽ của Cục Thuế TP. Cạnh đó, ở trạm chính và năm trạm phụ đều có gắn camera đếm xe từng giây, từng phút nên việc đối soát giữa số lượng, loại xe qua trạm và số tiền thu về là chính xác và minh bạch. Từ cuối tháng 10-2018, khi triển khai từng bước thu phí tự động không dừng thì từ trạm có kết nối đường link đếm xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT nên việc kiểm soát tài chính càng công khai, minh bạch hơn. ÔngNGUYỄN HỒNG NINH, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO |