Dự án La Sơn - Túy Loan và quốc lộ 20 chậm, khó trả nợ

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thanh toán vốn đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan và dự án đầu tư xây dựng quốc lộ (QL) 20 (đoạn Km0+000 - Km123+105,17) khi công trình BT (xây dựng, chuyển giao) chưa hoàn thành, bàn giao cho Nhà nước.

Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra nhằm đảm bảo uy tín theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ và không làm ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia, như chỉ đạo của Thủ tướng.

Khoản nợ đến hạn trên 33,1 triệu USD

Theo Bộ Tài chính, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan được đầu tư theo hình thức BT. Trong đó, đầu tư mới 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên (Km0 - Km66) với quy mô hai làn xe, giữ nguyên đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan, với tổng mức đầu tư 11.485 tỉ đồng.

Để phát huy hiệu quả đầu tư dự án cũng như tận dụng tối đa nguồn vốn vay, năm 2016, Bộ GTVT báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung hạng mục mở rộng đoạn Hòa Liên - Túy Loan từ hai làn xe lên bốn làn xe với tổng số tiền khoảng 1.500 tỉ đồng.

Hiện đoạn La Sơn - Hòa Liên đã hoàn thành, tuy nhiên đoạn Hòa Liên - Túy Loan sau gần bốn năm triển khai, mặc dù Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng đã nỗ lực, phối hợp nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án rất khó khăn, dẫn đến tiến độ không đạt yêu cầu, đến nay mới đạt khoảng 10% kế hoạch. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự kiến đến cuối năm 2022 mới hoàn thành.

Để trả nợ khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ cho Bộ GTVT vay để thực hiện trả nợ, khoản nợ gốc và lãi bên cho vay các kỳ hạn nợ từ tháng 3-2018 đến tháng 3-2020 với tổng số tiền là trên 140,1 triệu USD. Khoản nợ phải thanh toán trả nợ nước ngoài đến hạn ngày 29-9 là trên 33,1 triệu USD.

Dự án La Sơn - Túy Loan chậm bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn. Ảnh: V.LONG

Nút giao Dầu Giây hoàn thành trước 30-11? 

Với dự án QL20, được Chính phủ đồng ý đầu tư theo hình thức BT. Giai đoạn 1, thực hiện đầu tư đoạn Km0 - Kml23 có tổng mức đầu tư trên 4.030 tỉ đồng. Giai đoạn này hiện đoạn tuyến trên đã hoàn thành.

Giai đoạn 2, sử dụng vốn vay còn dư của dự án để thực hiện đầu tư bổ sung hạng mục nút giao Dầu Giây và xây dựng mới tuyến tránh TP Bảo Lộc với giá trị khoảng 1.100 tỉ đồng. Đến nay, theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7, nút giao Dầu Giây đã thi công đạt khoảng 70% và tuyến tránh TP Bảo Lộc đạt khoảng 68% khối lượng.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư ưu tiên tập trung thi công nút giao Dầu Giây dự kiến hoàn thành xây dựng trước 30-11-2020. Riêng đối với tuyến tránh TP Bảo Lộc, theo tiến độ quy định hoàn thành 30-8-2019, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chi phí giải phóng mặt bằng của hai hạng mục tăng nhiều và dự án không được hoàn thuế VAT dẫn đến thiếu vốn cho công tác xây dựng.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã cam kết bố trí phần vốn còn thiếu (khoảng 182 tỉ đồng) phục vụ việc thi công hoàn thành dự án. Trường hợp UBND tỉnh Lâm Đồng không cân đối bố trí ngân sách tỉnh thực hiện dự án thì Bộ GTVT sẽ chỉ đạo xác định điểm dừng kỹ thuật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bàn giao nguyên trạng tuyến tránh TP Bảo Lộc để tỉnh tiếp tục thực hiện theo cam kết với Thủ tướng.

Để có nguồn trả nợ vốn vay nước ngoài cho dự án QL20, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ cho Bộ GTVT vay để thực hiện trả nợ, khoản nợ gốc và lãi bên cho vay các kỳ hạn nợ từ tháng 3-2018 đến tháng 3-2020 với tổng số tiền là trên 51,5 triệu USD. Khoản nợ phải thanh toán trả nợ nước ngoài đến hạn ngày 8-9-2020 là trên 18,8 triệu USD.

Theo quy định tại hợp đồng dự án và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà nước dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư sau thời điểm nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng từ nguồn ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, hai dự án này đều không hoàn thành đúng tiến độ để bàn giao cho Bộ GTVT để làm cơ sở thanh toán từ kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao.

Vì vậy, để có thể thực hiện việc giải ngân trả nợ, Chính phủ cần ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao cho hai dự án trên khi công trình chưa hoàn thành và bàn giao cho Nhà nước.

Cho phép ứng vốn từ quỹ tích lũy để trả nợ theo kỳ hạn

Vào tháng 4-2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã phát hành thư bảo lãnh cho hai khoản vay, gồm khoản vay có bảo hiểm MIGA trị giá 250 triệu USD của Công ty cổ phần BT20 Cửu Long để thực hiện dự án QL20 và khoản vay có bảo hiểm NEXI trị giá 510 triệu USD của Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan để thực hiện dự án đoạn La Sơn - Túy Loan.

Tuy nhiên, do hai dự án BT nói trên chưa hoàn thành và bàn giao nên trước đó Chính phủ cho phép ứng vốn từ quỹ tích lũy để trả nợ theo kỳ hạn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm