Sáng 7-5, Sở Nội vụ TP.HCM đã họp toàn thể các sở-ngành, quận-huyện rút kinh nghiệm việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng tổ chức Sở Tư pháp (Sở Tư pháp là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM tổ chức thi tuyển) cho biết kỳ thi tuyển hai chức danh phó phòng phổ biến pháp luật và phó chánh văn phòng Sở Tư pháp hiện đã thi xong vòng 2 - thi viết và hội đồng vừa chấm thi vào ngày 6-5. Kết quả các bài thi tương đối khá, bài thấp nhất được 22 điểm (phần thi viết có tổng điểm tối đa là 30 điểm). Dự kiến vòng 3 - thi thuyết trình vào giữa tháng 5 sắp tới.
Theo bà Hạnh, quá trình triển khai thực hiện đề án thi tuyển lãnh đạo quản lý đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi. Quan trọng nhất, nếu phát sinh trường hợp thí sinh thể hiện tốt ba vòng thi nhưng lại không đạt trên 50% số phiếu của tập thể công chức đơn vị có chức danh thi tuyển đồng ý về chương trình hành động thì cần để cho hội đồng thi vẫn có quyền bỏ phiếu chọn người trúng tuyển. Bởi quy định hiện hành “trên 50% phiếu đồng ý thì mới được hội đồng tuyển chọn xem xét tiếp” rất nguy hiểm. Nếu vì lý do gì đó, anh em trong phòng dồn phiếu toàn bộ cho thí sinh “trong nhà” thì thí sinh bên ngoài không thể nào vượt qua được.
Tại cuộc họp, phía Học viện Cán bộ TP đã bày tỏ băn khoăn về việc thi tuyển lãnh đạo làm sao để tuân thủ công tác nhân sự của Đảng. Một số quận-huyện cho biết hiện đang khuyết một số chức danh, nếu tổ chức thi tuyển thì không kịp chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp sắp tới. Đồng thời cũng có lo ngại kết quả thi tuyển sẽ phá vỡ công tác quy hoạch cán bộ.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm nhấn mạnh TP có ý tưởng đầu tiên về tổ chức thi tuyển lãnh đạo cách đây 15 năm rồi nhưng triển khai lại chậm so với cả nước. Đến nay Bộ GTVT đã thi tuyển lãnh đạo tới cấp tổng cục rồi, còn TP.HCM quá chậm, phải gấp rút thực hiện để sắp tới làm đề án thi tuyển lãnh đạo cấp sở. Năm nay có đặc thù một số quận-huyện đang bố trí nhân sự để đảm bảo cơ cấu chuẩn bị đại hội, trường hợp nào cần thiết không tổ chức thi tuyển mà bổ nhiệm theo quy trình cũ thì phải có văn bản báo cáo, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến để trình UBND TP xem xét, quyết định.
Ông Lắm cũng khẳng định “Quy hoạch là một chuyện, còn đủ điều kiện để bổ nhiệm là một chuyện. Nếu có quy hoạch rồi mà thi không đạt thì thôi, cứ ở lại trong quy hoạch (quy hoạch năm năm) rồi năm sau lại thi tiếp”.
BÌNH MINH