Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar và người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung đã tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến trong ngày 27-4, hãng tin Reuters cho hay.
Ông Trần cám ơn Mỹ đã ủng hộ và mong muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ Đài Loan tham gia vào các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách là quan sát viên.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung. Ảnh: REUTERS
Theo thông báo của phía Đài Loan, ông Trần đã cám ơn ông Azar vì "sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ đối với việc Đài Loan tham gia vào WHO".
Đại diện cơ quan y tế Đài Loan cũng bày tỏ mong muốn "Mỹ tiếp tục ủng hộ sự tham gia đầy đủ của Đài Loan vào Đại hội đồng y tế thế giới và các hội nghị, cơ chế và hoạt động của WHO với tư cách là quan sát viên".
Đại hội đồng y tế thế giới là cơ quan ra quyết định của WHO.
Thông báo ngày 27-4 của Đài Loan cũng cho biết ông Azar đã tái xác nhận "sự ủng hộ liên tục và cụ thể của Mỹ đối với việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan trong WHO và lĩnh vực y tế toàn cầu".
Đáp lại, ông Azar cám ơn Đài Loan đã chia sẻ với phía Mỹ những kinh nghiệm thực tiễn chống COVID-19.
Viết trên Twitter, ông Azar cho biết ông bày tỏ lời cám ơn Đài Loan vì "những nỗ lực chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và nguồn lực tốt nhất của họ với Mỹ".
"Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, quan hệ đối tác y tế toàn cầu mang tính quyết định và tôi đánh giá cao sự đóng góp của Đài Loan" - ông Azar viết tiếp.
Đây là cuộc đối thoại cấp cao hiếm hoi giữa Mỹ và Đài Loan, vì dù Mỹ là cường quốc ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế, hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Cuộc họp được tổ chức sau khi Mỹ và Đài Loan nhiều lần chỉ trích WHO đã phớt lờ các thông tin từ Đài Loan dẫn đến sự chậm trễ trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu và chỉ trích WHO hạn chế quyền của Đài Loan về việc tiếp cận thông tin dịch bệnh.
Trong nhiều tuần qua, Mỹ liên tục cáo buộc WHO phớt lờ những lời cảnh báo của Đài Loan về dịch COVID-19 ở TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là một nội dung chính trong các chỉ trích của Washington xoay quanh phản ứng của WHO và sự "thao túng chính trị" của Trung Quốc trong đại dịch lần này.
Đáp trả lại, WHO tuyên bố các thông tin Đài Loan cung cấp không hề mới so với những gì truyền thông lúc bấy giờ đã đưa tin.
WHO và Trung Quốc tuyên bố vẫn cho phép Đài Loan tiếp cận các thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19.
Hiện tại, Đài Loan được đánh giá là đã ứng phó hiệu quả trước đại dịch COVID-19.
Đài Loan đã tham gia các hoạt động trên của WHO với tư cách là quan sát viên trong giai đoạn 2009-2016, khi quan hệ vùng lãnh thổ này và Trung Quốc đại lục đang trong giai đoạn nồng ấm.
Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về việc Đài Loan tham gia vào WHO sau khi bà Thái Anh Văn được bầu làm người đứng đầu chính quyền vùng lãnh thổ này vì bà Thái thường xuyên thể hiện quan điểm không thân thiện với Bắc Kinh.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không thể được công nhận là một quốc gia độc lập. Bản thân bà Thái Anh Văn cũng bác bỏ cáo buộc bà là một người theo chủ nghĩa ly khai, theo Reuters.
Vùng lãnh thổ này chỉ có 429 ca nhiễm, thấp hơn nhiều so với số ca nhiễm ở Hong Kong và nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Có sáu bệnh nhân COVID-19 ở Đài Loan đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
Tính đến 5 giờ chiều 28-4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu là hơn 3.077.000 người và số người chết vì đại dịch này là 211.960 người.