Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố họ không giấu diếm Mỹ bất kỳ thông tin gì về đại dịch COVID-19 và nhắc lại lời kêu gọi các nước không sử dụng đại dịch là công cụ chính trị cho riêng mình, đài CNA đưa tin.
WHO không che giấu Mỹ bất kỳ điều gì
Ngày 20-4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố WHO không có bí mật nào về đại dịch COVID-19, qua đó phủ nhận cáo buộc của chính quyền Washington về việc tổ chức này báo cáo không đúng mức sự nghiêm trọng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
"Chúng tôi đã cảnh báo ngay từ đầu rằng có một tai họa mà mọi người nên chống lại" - ông Tedros nói trong buổi họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhắc lại WHO đã thông báo về cụm dịch ở Vũ Hán từ ngày 4-1 và cung cấp "thông tin chi tiết về dịch bệnh" công khai cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới từ ngày 5-1.
Riêng về vấn đề hợp tác với Mỹ, ông Tedros cho rằng việc có rất nhiều nhân viên chính quyền Mỹ, bao gồm 15 nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), được phép đến làm việc tại trụ sở WHO ở Geneva chứng minh rằng WHO không hề che giấu Mỹ bất kỳ điều gì.
"Có các nhân viên CDC có nghĩa là ngay từ đầu không có gì bị giấu diếm với Mỹ. Bởi vì có những người Mỹ làm việc với chúng tôi. Điều này chỉ diễn ra một cách tự nhiên và họ báo cáo những gì họ đang làm" - ông Tedros nói.
"WHO luôn rõ ràng. Chúng tôi không che giấu bất kỳ điều gì. Chúng tôi muốn tất cả các nước có được cùng một thông tin ngay lập tức bởi vì điều đó giúp các nước chuẩn bị tốt và chuẩn bị nhanh chóng" để đối phó với đại dịch, ông Tedros nói.
Đài Loan không báo cáo về sự lây nhiễm từ người sang người
Tiếp tục phủ nhận cáo buộc phớt lờ lời cảnh báo từ Đài Loan, ông Tedros cho biết WHO sớm có được những thông tin về dịch bệnh tại TP Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) và Đài Loan chỉ thể hiện mong muốn có thêm thông tin về dịch bệnh.
"Một điều cần được làm rõ là bức thư (về dịch bệnh ở Vũ Hán - PV) đầu tiên không phải đến từ Đài Loan. Nhiều quốc gia đã yêu cầu xác minh. Báo cáo đầu tiên (về COVID-19 - PV) đến từ Vũ Hán" - ông Tedros nói.
"Đài Loan không báo cáo bất kỳ điều gì về sự lây nhiễm giữa người với người" - Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan. Ảnh: AFP
Sau đó, ông Michael Ryan giải thích thêm rằng thư của Đài Loan không có thông tin gì khác những gì đã được truyền thông nhắc đến.
"Các cụm bùng phát bệnh viêm phổi không điển hình không phải là hiếm gặp. Bất kỳ năm nào cũng có hàng triệu trường hợp viêm phổi không điển hình trên khắp thế giới" - ông Ryan giải thích thêm.
Tuy nhiên, CNA cho biết bức thư của Đài Loan gửi WHO có đề cập đến việc Vũ Hán yêu cầu cách ly ít nhất bảy người - biện pháp ít khi được dùng tới nếu đó không phải là dịch bệnh lây nhiễm.
Lợi dụng COVID-19 vì mục tiêu chính trị là "đùa với lửa"
Tổng Giám đốc WHO Tedros nhắc lại lời kêu gọi các nước không lợi dụng đại dịch COVID-19 vì mục tiêu chính trị cho riêng mình.
"Đừng dùng loại virus này như một cơ hội để chống lại người khác hay ghi điểm về mặt chính trị" - ông Tedros nói.
Ông cho rằng việc lợi dụng đại dịch vì mục đích riêng "giống như là đùa với lửa" vì vấn đề chính trị đó "có thể đổ thêm dầu vào lửa" và làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, Trung Quốc đang hứng chịu các cáo buộc, đặc biệt là từ Mỹ, rằng Bắc Kinh không minh bạch và báo cáo không đúng mức sự nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. WHO cũng bị cáo buộc bao che cho Trung Quốc và bị Mỹ cắt tài trợ.
Cả Trung Quốc và WHO đều liên tục phủ nhận các cáo buộc trên.
Hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước và có thời gian "nhìn lại và xem xét toàn diện dữ liệu để đảm bảo tính chính xác", cũng như "có trách nhiệm với lịch sử, với người dân và với những người đã mất".
Tính tới 1 giờ chiều 21-4, Trung Quốc có 82.758 ca nhiễm và 4.632 người chết vì COVID-19. Số ca nhiễm trên toàn cầu là 2.482.513 người, trong đó 170.477 người đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.