Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê (Gia Lai) mới hoàn thành vào tháng 6-2019 nhưng đã nứt toác, hư hỏng nặng. Tuyến đường có mức đầu tư gần 250 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án 6 (QLDA 6, Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được thiết kế theo quy mô đường cấp ba đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km. Trước đó, trên mặt đường mới chỉ xuất hiện những vết rạn nứt nhỏ. Tuy nhiên, đến chiều 3-9 mặt đường đã nứt toác như vừa trải qua trận động đất, mái taluy sạt lở nghiêm trọng.
Thuê tư vấn độc lập để đánh giá
Ngày 5-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban QLDA 6, cho biết sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã cử hai phó giám đốc cùng nhóm kỹ sư và quan trắc đến tiến hành kiểm tra, rà soát vị trí hư hỏng. “Sau khi kiểm tra, chúng tôi quyết định thuê tư vấn độc lập. Theo đó, tư vấn sẽ thực hiện việc khoan xuống lòng đất để nghiên cứu địa chất cũng như đánh giá quá trình thi công đoạn hư hỏng” - ông Long khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho biết đoạn đường trên chưa nghiệm thu, bàn giao. Trường hợp hư hỏng do nguyên nhân chủ quan thì đơn vị thi công sẽ phải bỏ toàn bộ kinh phí để khắc phục. Về nhận định vị trí trên có thể xử lý chưa triệt để mạch nước ngầm nên xảy ra sự cố, ông Long cho rằng cần phải kiểm tra toàn diện mới có thể kết luận nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục. “Khi có kết luận, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể” - ông Long nói.
Còn theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Ban QLDA 6, ngày 4-9, đoàn kiểm tra cùng các chuyên gia của đơn vị tư vấn thiết kế, địa chất, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã đi kiểm tra thực địa. Tại hiện trường ghi nhận phạm vi sụt, lún 120-150 m. Trong đó, phần chính bị tụt thẳng đứng xuống khoảng 30-40 m, kéo theo các phạm vi khác tụt theo. “Nguyên nhân đường bị nứt, sụt, lún nghiêm trọng khả năng do thời gian qua trên địa bàn Tây Nguyên mưa nhiều. Chúng tôi nghi ngờ khu vực này trước kia là đầm, ao được bồi lắng, đơn vị thi công khi khảo sát đã không phát hiện ra” - ông Hưng nhận định.
Trong buổi kiểm tra, đoàn đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát toàn bộ khu vực để tính toán khả năng thoát nước. Khảo sát mặt cắt ngang địa hình và đối chiếu hồ sơ thiết kế xem bị lún bao nhiêu; khảo sát mặt cắt ngang đường, trong đó dự kiến khoan ba mặt cắt đường và mỗi mặt cắt ngang sẽ khoan 3-4 lỗ khoan. Đặc biệt, trong vị trí sâu nhất sẽ khoan hai mặt cắt ngang để đánh giá phần nền đường thi công cũng như địa chất bên dưới thế nào để tìm nguyên nhân.
Cũng trong ngày 5-9, Ban QLDA 6 đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT. Theo đó, ban đề xuất giải pháp xử lý là yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng để tiến hành khoan, khảo sát địa chất và tính toán thủy văn khu vực bị ảnh hưởng. Việc khảo sát này nhằm đánh giá các nguyên nhân gây ra hư hỏng cũng như đánh giá chất lượng thi công lắp đặt nền đường. Tiến độ khảo sát phải hoàn thành trước ngày 18-9. Sau khi có kết quả khảo sát bổ sung của đơn vị tư vấn thiết kế, Ban QLDA 6 sẽ có báo cáo Bộ GTVT xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể.
Mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt dài khoảng 130 m, rộng 60-80 cm. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Hiện tượng chưa từng thấy
Trao đổi qua điện thoại, ông Mai Anh Đồng, Giám đốc Công ty cổ phần 471 (TP Vinh, Nghệ An), đơn vị thi công đoạn đường này, cho biết ông đã nắm được thông tin đường bị hư hỏng, đồng thời cho biết từ khi làm nghề ông chưa bao giờ thấy hiện tượng đường hư hỏng như thế này.
Theo ông Đồng, trong chiều dài khoảng 11 km của dự án, đơn vị của ông trúng một gói thầu với chiều dài hơn 3,5 km, giá trị 70 tỉ đồng. Ở gói thầu này, đơn vị thi công từ tháng 9-2018 và hoàn thành vào khoảng tháng 4-2019. Hội đồng nghiệm thu đã kiểm tra, khi đơn vị đang chờ làm các thủ tục bàn giao để đưa vào sử dụng thì xảy ra sự cố trên.
“Ngay khi nhận tin, công ty đã cử người cấp tốc vào hiện trường, phối hợp với các đơn vị ngăn, cấm xe vào vị trí hư hỏng để hạn chế rủi ro tai nạn. Chúng tôi đang theo dõi, quan trắc ở vị trí hư hỏng thì thấy dù không cho xe lưu thông vào hôm qua và hôm nay nhưng đường vẫn tiếp tục sụt lún, chưa dừng lại” - ông Đồng lo lắng.
Trước thông tin dư luận nghi ngờ về chất lượng thi công, ông Đồng cho rằng nhận định này chưa chính xác. Đơn vị đã thi công đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Để xác định nguyên nhân phải căn cứ nhiều yếu tố, xác định lại địa chất, quá trình thi công của nhà thầu. Hiện đơn vị vẫn đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế để tìm nguyên nhân, qua đó có hướng xử lý.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông Bộ GTVT vừa có công điện yêu cầu Ban QLDA 6 đánh giá, xác định nguyên nhân sụt lún, nứt toác dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê. Theo đó, Bộ GTVT cho biết thời gian qua khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt từ ngày 23-8 đến 3-9, tại địa bàn huyện Chư Sê xảy ra nhiều trận mưa rất lớn, kéo dài, một số đoạn, tuyến tại Km 10+200 - Km 10+300 có hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường. Để khắc phục ngay tình trạng trên, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, Bộ yêu cầu Ban QLDA 6 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá, xác định nguyên nhân. Đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, đảm bảo ổn định công trình, tuyệt đối an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 10-9. |