Gạo, tôm... Việt Nam chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới

(PLO)- Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm nông sản đạt 20,8 tỉ USD/năm
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-8, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Cục Công thương đã tích cực phối hợp các cơ quan, ban ngành triển khai hiệu quả và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Về phát triển thị trường xuất khẩu nông sản phù hợp với luật pháp quốc tế, nếu như năm 2011 Việt Nam có 19 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, đến nay đã hơn 30 thị trường với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.

Kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm nông sản đạt 20,8 tỉ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%/năm.

Bên cạnh đó, hằng năm Bộ Công Thương luôn định hướng ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đối với nhóm nông sản. Bình quân phê duyệt khoảng 33 - 35 tỉ đồng/năm.

Riêng với mặt hàng gạo, Bộ Công thương tổ chức nhiều chương trình XTTM gạo sang các thị trường còn nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Philippines, Singapore...

Ngoài ra, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có nông sản với mục tiêu xây dựng, quảng bá hiệu quả chung hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam.

Cá ba sa phi lê bày bán ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Cá ba sa phi lê bày bán ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Bộ Công thương cho biết, bộ luôn nghiên cứu chính sách giá cả nông sản, nhất là giá lúa phù hợp trong quan hệ so sánh với hàng công nghiệp, bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Cạnh đó là đàm phán, ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Từ đó góp phần tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ... tạo ra khu vực thị trường rộng lớn cho nông sản của Việt Nam.

Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ trên một số sản phẩm. Ngoài ra, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối lỏng lẻo.

Thời gian tới, Cục Công thương đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Song song đó, hỗ trợ xây dựng chợ thương mại điện tử nông sản quốc gia để tập trung thúc đẩy giao dịch hàng nông sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm