Bà Yen Li Chong cùng các con trai là Justin Jia Tian Tan và Javier Jia He Tan, sống ở Australia, đã nộp đơn kiện tại bang Victoria, với mức yêu cầu bồi thường chưa xác định.
Chồng bà, ông Chong Ling Tan, ngồi ghế hạng thương gia trong chuyến bay MH370 mất tích ngày 8-3-2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, Trung Quốc.
Gia đình ông Chong khởi kiện hãng hàng không Malaysia Airlines dựa theo Công ước Montreal năm 1999. Theo đó, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra.
“Bị đơn phải chịu trách nhiệm cho những cú sốc thần kinh từ cái chết của người thân gây ra,” theo trát tòa án.
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất vào ngày 8-3-2014 khi đang chở theo 239 người đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Phía đâm đơn kiện cho biết “chiếc máy bay sẽ không biến mất” nếu người lái nó đảm bảo an toàn trong chuyến bay, với biện pháp phòng ngừa hợp lý, đầy đủ và khi chuyến bay được “giám sát và theo dõi mọi lúc”. Cú sốc thần kinh ở góa phụ 49 tuổi và hai con trái 19 và 15 tuổi là một “hệ quả trực tiếp từ việc chiếc máy bay của phía bị đơn biến mất”.
Đây không phải là vụ kiện đầu tiên của thân nhân cách hành khách trên chuyến bay MH370 biến mất bí ẩn khi đang chở theo 239 người.
Một gia đình Malaysia hồi tháng 10-2014 cũng đã nộp đơn kiện hãng hàng không Malaysia vì tội bất cẩn làm máy bay biến mất và đây được cho là đơn kiện đầu tiên liên quan đến vụ này.
Hồi tháng 7-2014, một phần cánh phụ dài 2 m đã được tìm thấy trôi dạt trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương. Giới chức điều tra sau đó xác nhận mảnh vỡ trên thuộc về máy bay MH370.