Tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 23-10, quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh nước lũ đã rút và thông tuyến trở lại.
Đối với quốc lộ 1 cũ đi qua tỉnh Quảng Bình, đoạn từ Km681+400- Km697+400 nước rút và thông xe. Tuy nhiên, người dân đưa đồ dùng, quần áo cùng lúa gạo ra phơi trên mặt đường, nên hiện tại vẫn đang cấm đường và phân luồng cho xe đi theo tuyến tránh lũ.
Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở. Ảnh: CTV
Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình, tại Km16+500 - Km17 vẫn đang ngập sâu khoảng 0,5m, hiện lực lượng chức năng đang cấm đường. Quốc lộ 12A (Quảng Bình), nước đã rút, tuy nhiên đoạn Khe ve – Cha lo toàn bộ nền đường lún sụt, đứt đường hoàn toàn với chiều dài khoảng 300m, hiện đang đóng đường.
Mưa lớn cũng làm quốc lộ 49 (Thừa Thiên - Huế), sạt lở tắc đường 6 điểm, hiện cơ quan chức năng đang cấm ô tô, chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông. Quốc lộ 49C (Quảng Trị), đoạn qua cầu Lệ Xuyên 1 bị nước xói nền đường hai đầu cầu, hiện đã cấm các phương tiện và lắp đặt biển chỉ dẫn cho người dân đi tuyến khác.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện quốc lộ 15D (Quảng Trị), Quốc lộ 12 C, 12A, 9B, 9C, 9E (Quảng Bình) sụt lún, xói trôi nền đường hiện đơn vị đang tiếp tục khắc phục thi công để thông tuyến.
“Ngày hôm nay tại các tỉnh trên đã hết mưa. Tuy nhiên, đất đã thấm nước nên khối lượng sạt lở lớn và đang diễn biến phức tạp, công tác tiếp cận và xử lý rất khó khăn, nguy hiểm. Các đơn vị thi công đang tích cực triển khai, tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn…”- lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Theo thống kê của ngành đường bộ, chỉ tính riêng các tuyến quốc lộ, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại khoảng 355 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí đảm bảo giao thông bước một khoảng 200 tỉ đồng.