Giải mã động thái bất ngờ của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát và chỉ đạo một thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới, theo một báo cáo công bố sáng 18-4 (giờ địa phương) của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên. Hãng tin Reuters cho biết “chiến thuật” ngụ ý vũ khí tầm ngắn chứ không phải là tên lửa đạn đạo tầm xa từng được coi là mối đe dọa đối với Mỹ. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo không phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa nào.

Những động thái bất ngờ từ Triều Tiên

Theo hãng tin KCNA, ông Kim Jong-un hết lời ca ngợi khả năng của vũ khí thử nghiệm lần này. Ông Kim khẳng định việc hoàn thiện nó sẽ là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong việc tăng cường khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Lần cuối cùng Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm vũ khí chiến thuật là vào tháng 11-2018. Một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc nói với hãng tin CNN rằng vũ khí đó có khả năng là một “bệ phóng tên lửa”.

Mới đây, trong một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động được ghi nhận tại cơ sở hạt nhân Yongbyon có thể liên quan đến việc tái xử lý chất phóng xạ thành nhiên liệu bom. Theo hình ảnh, có năm ô tô ray chuyên dụng gần cơ sở làm giàu uranium và phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ của Triều Tiên. Điều đó cho thấy có thể đã diễn ra hoạt động vận chuyển chất phóng xạ.

Trong báo cáo trình Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc ngày 5-3, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cũng cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang khôi phục một số bộ phận bãi thử tên lửa Dongchang-ri. Dongchang-ri là một bãi phóng tên lửa chính, là nơi diễn ra rất nhiều vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Bãi phóng tên lửa này đã được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phá hủy trong cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba của mình với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra tháng 9-2018 ở Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp gỡ ở Hà Nội ngày 27-2-2019. Ảnh: CNN

Răn đe và không nhượng bộ

Theo TS Kim Dong-yub của ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), cuộc thử nghiệm ngày 17-4 là thông điệp gửi đến Mỹ rằng Triều Tiên sẽ không nhún nhường trước những lệnh trừng phạt từ Washington. Hơn nữa, điều này còn nhằm trấn an nhân dân trong nước hãy luôn tin tưởng vào an ninh quốc gia, hãng tin Reuters dẫn lời TS Kim Dong-yub.

Cuộc thử nghiệm này như lời nhắc nhở về một sự thật quan trọng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không bao giờ cam kết dừng thử nghiệm tất cả vũ khí trong kho của Triều Tiên. Ông chỉ hứa dừng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa từng được coi là mối đe dọa với Mỹ.

HARRY KAZIANIS, Trung tâm vì lợi ích quốc gia
có trụ sở tại Washington, Mỹ 

Ông Vipin Narang, PGS khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho biết loại vũ khí này có thể khác với tên lửa tầm xa mà Triều Tiên đã thử nghiệm trong vài năm qua. Theo ông Narang, nếu vũ khí này là một hệ thống tên lửa đa nhiệm hoặc hệ thống phòng thủ bờ biển hay phòng không, đó có thể là lời nhắc nhở của ông Kim dành cho Mỹ rằng hãy cẩn trọng và điều chỉnh vị thế đàm phán của mình.

“Với việc khôi phục bãi thử tên lửa Dongchang-ri, các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Yongbyon và cuộc thử vũ khí lần này, ông Kim dường như đang ngụ ý rằng Triều Tiên có đủ lực lượng để đối phó với Mỹ” - hãng tin CNN dẫn lời ông Narang.

Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực tái tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Trong hội nghị thượng đỉnh lần hai, Triều Tiên đã đề xuất phá hủy khu phức hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ nhưng không thành công.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Mỹ cần phải thấy những dấu hiệu rõ rệt từ Triều Tiên để chứng minh họ quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi hội nghị thượng đỉnh lần ba diễn ra giữa ông Trump và lãnh đạo Kim, theo hãng tin Bloomberg.

Tuần qua, ông Kim nói rằng việc Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được thỏa thuận như mong muốn đã làm tăng nguy cơ tái diễn tình trạng căng thẳng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định chỉ gặp lại ông Trump nếu Mỹ có thái độ đúng đắn. Hôm 15-4, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo gạt bỏ yêu cầu này. Ông Pompeo nói rằng nhà lãnh đạo Kim nên giữ lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân trước.

Hai lần gặp mặt, Mỹ-Triều được gì?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu được tổ chức ngày 12-6-2018 tại Singapore. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo hai nước đã ký một tuyên bố chung có bốn điều: Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ mới; Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài và ổn định ở bán đảo Triều Tiên; CHDCND Triều Tiên cam kết sẽ nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết sẽ tìm thi hài các tù nhân và binh sĩ mất tích trong chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam từ ngày 27 đến 28-2 năm nay. Kết thúc hội nghị, chính ông Trump trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào chiều 28-2 đã nói Triều Tiên muốn trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn nhưng Mỹ không chấp nhận. Trong khi đó, cuộc họp báo vào nửa đêm 28-2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nói nước này chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt. 

_______________________________

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm