Ngày mai (8-11), bầu cử Mỹ sẽ chính thức bắt đầu. Trong một cuộc trao đổi nhanh với Pháp Luật TP.HCM, GS JoAnn DiGeorgio-Lutz, chuyên gia khoa học chính trị Trường ĐH Texas A&M, cho biết bà và các thành viên trong gia đình đều quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Lý giải về chọn lựa của mình, GS JoAnn nói: “Có một số lý do khiến tôi chọn bà Clinton. Trước tiên, khi so sánh với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tôi tin rằng bà Clinton có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quản trị đất nước. Bà ấy hiểu quá trình vận hành chính trị đối với những công việc của nước Mỹ và có tính cách tốt hơn ông Trump để lãnh đạo đất nước này”.
Nhận định về khả năng xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ngoại giao của Mỹ, nữ giáo sư từng có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu quan hệ quốc tế này cho rằng bà Clinton hoàn toàn có khả năng làm việc với các lãnh đạo của các quốc gia khác trên thế giới; có khả năng nắm bắt các vấn đề quốc tế tốt hơn hẳn so với đối thủ của bà là ông Trump. Một điều có thể tin tưởng đó là bà Clinton sẽ không đưa ra các quyết định khinh suất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa tuyên bố giữ nguyên kết luận tháng 7, không truy tố hình sự bà Clinton liên quan việc sử dụng email cá nhân. Ảnh: NBCNEWS
Bà Clinton tới thời điểm này, theo đánh giá của tất cả chuyên gia cũng như cử tri Mỹ đều hơn hẳn ông Trump trên mọi phương diện năng lực, tính cách và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, như GS Heather Stur (ĐH Nam Mississippi, Mỹ) nhận định, một điều rất thú vị là khả năng có một “nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử” dường như không làm giới cử tri Mỹ hào hứng và phấn khích như khi ông Obama đứng trước ngưỡng cửa trở thành “tổng thống da màu gốc Phi đầu tiên” của xứ sở cờ hoa.
“Vâng, theo tôi thì lý do là vì bà Clinton không phải là một ứng viên thật lý tưởng trong mắt nhiều cử tri Mỹ hiện nay” - GS JoAnn giải thích.
Theo GS JoAnn, khi còn là đệ nhất phu nhân nước Mỹ (của Tổng thống Bill Clinton), bà Clinton đã không đóng một vai trò mẫu mực như người dân Mỹ kỳ vọng đồng thời không để lại những ấn tượng nổi bật trong quá trình hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, GS JoAnn cho rằng bà Clinton có quan hệ với các nhóm lợi ích đặc biệt, điều đó đã gây tổn thương đến uy tín và hình ảnh của bà ấy.
“Năm 2008, nước Mỹ đã sẵn sàng gạt bỏ tất cả những gì của Tổng thống Bush ở lại sau lưng. Ông Obama đã truyền cảm hứng cho những cử tri vốn cảm thấy rằng họ không có một ai trở thành người đại diện của họ. Nhóm cử tri này phải kể đến những tầng lớp người thiểu số yếu ớt, phụ nữ và người lao động. Thật ra tôi tin rằng vào thời điểm ấy, có rất nhiều sự hào hứng hướng về bà Clinton hơn hiện nay, dù sau đó ông Obama nổi lên như một hiện tượng. Hiện nay vẫn còn nhiều người duy trì sự ủng hộ đối với “nữ tổng thống đầu tiên”, dù rằng sự ủng hộ đó đã bị lu mờ bởi nhiều vấn đề xảy ra trong quá trình bà Clinton tranh cử” - GS JoAnn nói.
Dự báo về kết quả bầu cử tới đây, GS JoAnn cho rằng cách đây hai tuần, bà tin rằng ứng viên Clinton sẽ thắng vang dội. Tuy nhiên, hiện các khảo sát thăm dò cho thấy khoảng cách giữa bà Clinton và ông Trump đang sát nhau.
Theo GS JoAnn, tấm màn sẽ được hạ tại bang Florida, nơi được xem là bang “chiến trường” mà cả bà Clinton và ông Donald Trump chỉ được thắng, không được bại.
Không đề xuất truy tố hình sự bà Clinton Trong một diễn biến mới nhất, theo Washington Post ngày 7-8 (giờ Mỹ), một ngày trước khi ngày bầu cử chính thức bắt đầu, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey cho biết cơ quan này không đề xuất truy tố hình sự bà Clinton về vấn đề sử dụng email cá nhân trong thời gian bà Clinton còn làm ngoại trưởng Mỹ. Điều này có nghĩa là kết luận của FBI hồi tháng 7-2016 là không thay đổi. Thông báo này đưa ra chỉ sau hơn một tuần kể từ khi thông báo “gây chấn động” và đầy tranh cãi của ông James Comey hồi 28-10 rằng FBI phát hiện các tình tiết mới liên quan đến máy chủ cá nhân của cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton. Nhiều luật sư Mỹ, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, cho rằng việc FBI đưa ra thông báo hôm 28-10 là trái lệ và trái luật đối với cuộc bầu cử. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về sự kiện này, GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu chính trị-ngoại giao ĐH Maine (Mỹ), cho biết khoảng cách trong các cuộc thăm dò giữa bà Clinton và ông Trump đã ngắn lại sau thông báo của FBI. GS Long còn dự báo tất cả chính sách liên quan đến “tái cân bằng” của ông Obama như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề đồng minh, vấn đề an ninh hàng hải biển Đông và Hoa Đông và ngoại giao với ASEAN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì thông báo bất ngờ của giám đốc FBI. “Dẫu bà Clinton có được bầu làm tổng thống sau ngày 8-11 đi nữa thì việc điều tra của FBI sẽ tiếp tục và đảng Cộng hòa sẽ dùng cớ này gây khó khăn cho bà trong việc thi hành các chính sách hiện hành trên các lĩnh vực nói trên” - GS Long nói. |