Giữ lại chân trái dập nát để bệnh nhân được đi chúc Tết

“Nếu hỏi ca điều trị nào để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất trong năm 2020 vừa qua, tôi không ngần ngại trả lời đó chính là ca giữ lại chân trái tưởng chừng phải cắt bỏ cho bà NTN (52 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu)” – BS Nguyễn Cao Viễn, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM, trải lòng với PLO

Bệnh viện địa phương lắc đầu

BS Viễn đi vào câu chuyện: “Một chiều trung tuần tháng 5-2020, BV Nhân dân 115 tiếp nhận bà N. trong tình trạng cẳng chân trái dập nát cơ và mô, da lột nham nhở… do tai nạn giao thông. Vết thương quá nặng, người ngoài nhìn vào chắc sẽ khó ngủ vì sợ. “Bà N. cho biết sau khi sơ cứu, BS ở BV địa phương lắc đầu và tiên lượng nguy cơ cắt cụt chân là rất cao do nhiễm trùng và hoại tử”. Sau đó, bà N. được chuyển lên BV Nhân dân 115”  – BS Viễn nhớ lại.

Các bác sĩ đang xử trí chân trái dập nát của bà N. Ảnh: BVCC

Tại đây, sau khi hội chẩn, tất cả BS quyết định phải giữ bằng được chân trái cho bà N. “Chúng tôi biết rõ mất một chân coi như mất nửa cuộc đời vì đi đứng khó khăn, làm việc gặp nhiều trở ngại, lại luôn bắt gặp những cái nhìn hiếu kỳ của người xa lạ. Hơn nữa, bà N. lại là nữ, không dễ vượt qua những mặc cảm khi mất một chân. Nhìn ánh mắt đau đáu của bà N., chúng tôi không khỏi chạnh lòng” – BS Viễn nói.

Các BS lên phương án phẫu thuật thật tỉ mỉ, chi tiết để tránh những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. “Tôi được giao cầm dao mổ chính, do vậy trách nhiệm đè nặng trên từng đường mổ. Trước khi bước vào ca phẫu thuật đầy phức tạp, tôi và mọi người nắm tay động viên” – BS Viễn nói thêm.

Ba lần phẫu thuật cứu chân trái

Bà N. nhanh chóng đưa lên bàn mổ và được các BS cẩn thận cắt bỏ những phần cơ và mô dập nát. Tiếp theo, các BS đánh giá toàn bộ mô da dập nát và cố giữ phần da còn tốt sau khi cắt lọc để ghép vào mô cơ của cẳng chân. “Chúng tôi mong muốn tỉ lệ da sau khi ghép phải sống trên 50% thì mới có thể phẫu thuật ghép da lần 2 bổ sung. Do vậy, chúng tôi hết sức thận trọng trong quá trình ghép da rồi hồi hộp theo dõi từng ngày, từng giờ” – BS Viễn kể lại.

Một tuần sau, các BS tháo băng kiểm tra vết thương bà N. và thở phào nhẹ nhõm khi thấy chân gãy không có biểu hiện hoại tử. Một điều đáng mừng hơn khi các BS ghi nhận tỉ lệ da sống đạt hơn 50% nên nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lần 2 bổ sung. Lần này, các BS lấy vạt da vùng đùi ghép phần còn thiếu ở vết thương. “Cuối cùng, ca ghép da bổ sung kéo dài cả tiếng cũng hoàn thành hơn cả mong đợi. Bước ra ngoài phòng mổ, các BS nở nụ cười tươi cho dù ai cũng thấm mệt” – BS Viễn chia sẻ.

Chân trái bà N. có thể đi đứng bình thường cho dù teo nhỏ hơn chân phải. Ảnh: BVCC

Sau 2 lần phẫu thuật, các BS nhận định do vùng khoeo chân và vùng cổ chân mất da khá nhiều nên tiên lượng bà N. sẽ bị co rút nhiều tại 2 vị trí nói trên. Điều này sẽ làm bà N. không thể đi thẳng, chẳng thể duỗi gối thẳng, cổ chân không thể gấp mặt lưng khiến bà N. luôn rơi vào cơn đau trong quá trình đi lại cũng như tập vật lý trị liệu. Do vậy, các BS lên kế hoạch cho đợt phẫu thuật lần 3.

“Lần này, các BS cắt bỏ phần sẹo dính để khoeo chân và cổ bàn chân không bị co rút. Vì thế, vùng mô ở 2 vị trí nói trên bị khuyết khá nhiều. Để khắc phục tình trạng trên, các BS lấy vạt da ở vùng đùi phủ lên vị trí mô bị khuyết ở khoeo chân và cổ bàn chân. Các BS phải sử dụng kỹ thuật vi phẫu nối các mạch máu để nuôi sống vạt da vừa chuyển ghép xuống” – BS Viễn nói.

Phẫu thuật lần 3 dự kiến rất khó khăn do vùng mô sẹo bị co rút tại vùng khoeo có nhiều mô quý như động mạch khoeo và thần kinh khoeo. Trong khi động mạch khoeo và thần kinh khoeo có chức năng cung cấp mạch máu nuôi và vận động toàn bộ vùng cẳng bàn chân.

“Mô sẹo dính rất nhiều tại vùng khoeo nên phải cắt bỏ ở diện rộng. Vì vậy, mọi thao tác trong ca phẫu thuật hết sức thận trọng, tỉ mĩ bởi chỉ sơ suất nhỏ sẽ gây liệt hoặc làm hoại tử bàn chân và cẳng chân, dẫn đến nguy cơ cắt cụt chân. Thật may mắn, ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng cuối cùng cũng thành công” – BS Viễn cười nói.

 “Hiện bà N. đã đi lại bình thường, cho dù chân trái teo nhỏ so với chân còn lại. Bà N. cũng có thể tự làm mọi việc, không phải nhờ vã ai. Điều vui nhất bà N. từng thổ lổ trước khi xuất viện là được đi bằng chính đôi chân của mình để đến từng nhà chúc Tết người thân” – BS Viễn trải lòng.

 

Tôi chảy nước mắt khi nghe BS của BV địa phương nói chân trái tôi phải cưa cụt do vết thương quá nặng. Nếu mất một chân, tôi thành người tàn phế và sẽ là gánh nặng gia đình. 

May mắn tôi được BS khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc BV Nhân dân 115 TP.HCM điều trị và giữ lại chân trái dập nát. Trong những ngày tết Nguyên đán 2021, tôi tự đi chợ và nấu nướng bữa cơm cúng ông bà, cho chồng con. Tôi cũng tự tới nhà láng giềng chúc tết, thăm hỏi sức khỏe. Từ đáy lòng, tối gửi lời cám ơn sâu sắc tới các BS của BV Nhân dân 115 TP.HCM.

Bà NTN (52 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu), bị dập nát chân trái do tai nạn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm