Hàng chục triệu người có nguy cơ mắc bệnh vì uống nước ngầm, nguyên nhân vì đâu?

(PLO)- Hàng chục triệu người ở Bangladesh được cho là đã uống nước ngầm nhiễm asen, có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm 1980, các bác sĩ và nhà nghiên cứu nhận thấy các bệnh nhân ở Bangladesh có những đốm vết đốm trên ngực và lưng. Các mảng cứng bất thường cũng xuất hiện trên da lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài ra, một số người còn có đốm đen trên ngón chân.

Theo đài CNN, lý do dẫn đến những triệu chứng trên được bắt nguồn từ một chương trình y tế công cộng cực kỳ thành công tại Bangladesh.

Vào những năm 1970, trẻ em ở Bangladesh có tỷ lệ tử vong cao vì các bệnh như kiết lỵ và dịch tả sau khi uống nước bẩn từ sông, hồ và suối. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Bangladesh cùng với các cơ quan viện trợ do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đứng đầu đã thực hiện dự án nước sạch.

(PLO)- Hàng chục triệu người ở Bangladesh được cho là đã uống nước ngầm nhiễm asen, có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư.
Một người dân ở Bangladesh bị nổi mụn cứng trên bàn tay, nguyên nhân có thể là do uống nước ngầm nhiễm asen. Ảnh: CNN

Từ những năm 1970 đến những năm 1990, nhà chức trách đã cho khoan hàng triệu giếng khoan ở Bangladesh. Ông Seth Frisbie – nhà hóa học và GS danh dự tại ĐH Norwich (Mỹ) – cho biết: “Chỉ trong vòng một thế hệ, những giếng khoan này đã thay đổi thói quen uống nước của toàn bộ người dân”.

Sau đó, số trẻ em tử vong giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến những năm 1990, dự án phát sinh vấn đề lớn. Đó là phần lớn nước ngầm chứa lượng asen cao – chất gây ung thư và có liên quan đến hàng loạt tác động tiêu cực khác đến sức khỏe.

Các chuyên gia y tế gọi đây là “vụ ngộ độc hàng loạt tồi tệ nhất” trong lịch sử, khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.

Dù chính phủ, UNICEF và các cơ quan viện trợ khác đã nỗ lực giải quyết tình trạng nước ngầm nhiễm asen nhưng tác động của nó vẫn lan rộng. Một nghiên cứu ước tính có khoảng 43.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan asen ở Bangladesh.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn. Nghiên cứu mới cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu như lũ lụt và mực nước biển dâng đang làm thay đổi thành phần hóa học của nước ngầm và đẩy mức asen lên cao hơn nữa.

Theo CNN, vấn đề này đang vượt ra ngoài biên giới Bangladesh. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nước ngầm nhiễm asen trên khắp thế giới.

‘Nó ảnh hưởng đến mọi cơ quan của cơ thể’

Asen có nhiều trong đá và đất của Trái Đất. Chất này rất độc ở dạng vô cơ và được tìm thấy với hàm lượng cao trong nước ngầm, không chỉ ở Bangladesh mà còn ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Argentina, Chile, Mexico, một số khu vực ở châu Âu, Úc và Mỹ.

Asen lại là kẻ giết người thầm lặng vì nó không màu, không mùi, không vị. Người dân khó có thể phát hiện ra asen khi chỉ quan sát thông thường. Ngoài ra, tác động của chất này có xu hướng xuất hiện sau nhiều năm.

Tiêu thụ nước ngầm nhiễm asen lâu ngày có thể khiến lớp da ở bàn tay và chân xuất hiện vết cứng. Asen làm tăng nguy cơ mắc ung thư da, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư bàng quang, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Asen cũng có liên quan tình trạng sẩy thai, chậm phát triển ở trẻ em và các bệnh về đường hô hấp.

Bà Rubhana Raqib – nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu bệnh tiêu chảy ở Bangladesh (ICDDR,B) – cho biết: “Nó (asen) ảnh hưởng đến mọi cơ quan của cơ thể”.

1998-1999-field-pictures-2-00012-untitled-0012-0001.jpg
Chân một người dân Bangladesh, nghi do tiếp xúc nước ngầm nhiễm asen trong thời gian dài. Ảnh: CNN

Các chuyên gia ước tính rằng quy mô vụ nhiễm asen ở Bangladesh vượt xa quy mô của những thảm họa do con người gây. Tuy nhiên, con số tử vong chính xác gần như không thể tính toán được, một phần vì khó làm sáng tỏ nguyên nhân gây ung thư ở người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 140 triệu người ở ít nhất 70 quốc gia đã uống nước bị nhiễm asen ở mức vượt quá giới hạn khuyến nghị (10 microgam/lít). Tại Bangladesh, các chuyên gia ước tính hàng triệu người đã bị ảnh hưởng.

Một nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho thấy 27% giếng khoan tại Bangladesh có lượng asen vượt quá tiêu chuẩn quốc gia của nước này (50 microgam/lít), ảnh hưởng khoảng 35 triệu người. Nghiên cứu cho thấy khoảng 57 triệu người đã tiếp xúc với nước có hàm lượng asen vượt quá mức khuyến nghị của WHO.

Sự nóng lên toàn cầu có thể làm tăng rủi ro

Rủi ro nước ngầm nhiễm asen ngày càng cao hơn khi con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, làm tăng khí nhà kính.

Theo một nghiên cứu gần đây do ông Frisbie đồng tác giả, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tính chất hóa học của nước ngầm.

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, Bangladesh có thể đối mặt nhiều vấn đề. Theo CNN, Bangladesh nằm ở vị trí thấp, dân cư đông đúc và có đường bờ biển dài. Do đó, nơi đây phải đối mặt vô số mối đe dọa do nước biển dâng, lũ lụt. Khoảng 20% diện tích Bangladesh bị ngập nước mỗi năm.

Theo nghiên cứu trên, lũ lụt có thể ngăn oxy từ khí quyển xâm nhập vào nước ngầm. Do đó, điều này có thể tạo điều kiện để chất rắn và trầm tích giải phóng nhiều asen hơn vào trong nước.

Ngoài ra, nước biển dâng cũng đặt ra một thách thức khác. Nó khiến nước mặn thấm vào nguồn nước ngầm. Điều này không chỉ làm cho nước có vị mặn hơn, mà sự hiện diện của muối còn có thể làm tăng nồng độ asen, vì nước mặn giúp asen hòa tan nhiều hơn vào nước.

Ông Frisbie cho biết, những tác động này không chỉ xuất hiện ở Bangladesh, “chúng xuất hiện ở mọi nơi trên Trái Đất”.

Đối với Bangladesh, tác động của tình trạng nước ngầm nhiễm asen vẫn tiếp tục và có thể trở nên tồi tệ hơn. Ông Mohammad Robed Amin – công tác tại Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh – cho biết asen vẫn là “vấn đề lớn” ở nước này.

gettyimages-1883330526.jpg
Nước lũ tại vùng Char Shildaha (Bangladesh) hồi tháng 9-2023. Ảnh; AFP

Các kỹ sư và nhà khoa học đang cố gắng phát triển các giải pháp cho Bangladesh và các nơi khác, bao gồm thiết lập hệ thống lọc và kỹ thuật điện hóa để loại bỏ asen. Tuy nhiên, những nhà khoa học đánh giá những công nghệ này khi được áp dụng tại Bangladesh không mang lại nhiều hiệu quả.

“Giải pháp là xây dựng các giếng khoan sâu” – ông Mohammad Yunus, nhà khoa học danh dự tại ICDDR,B, cho biết. Theo đó, nồng độ asen có xu hướng thấp hơn khi giếng được khoan sâu hơn.

Bà Maria Argos – phó GS dịch tễ học tại ĐH Illinois – cho biết khi biến đổi khí hậu tiếp tục gây ra thời tiết khắc nghiệt, con người sẽ chứng kiến "nhiều cách thức có khả năng thay đổi thành phần hóa học của nước ngầm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm