Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Mở lại đường bay tới Trung Quốc
Theo đó, Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, tần suất và điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.
Cùng đó, nhà chức trách hàng không làm việc với các nước về tăng cường chuyến bay cứu hộ, mở cửa chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước, đón công dân Việt Nam tại một số điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, ngăn nhập cảnh không đúng quy định.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các yêu cầu trên. Cùng đó, các bộ Y tế, Quốc phòng, VH-TT&DL tổ chức mở rộng cách ly tập trung ít nhất 10.000 chỗ.
Các hãng hàng không Việt Nam đặt tiêu chí an toàn hàng đầu trước khi khôi phục đường bay quốc tế. Ảnh: P.ĐIỀN
Đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu
Đại diện hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết chủ trương khôi phục lại đường bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng để hãng nối lại đường bay quốc tế sau thời gian dài dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Vị đại diện này chia sẻ đội bay của Vietnam Airlines luôn sẵn sàng để khôi phục đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi khai thác thương mại đường bay này, hãng cần thực hiện các quy trình và báo cáo các bộ, ngành, cơ quan chức năng về quy trình khai thác. Trong đó có lĩnh vực y tế và du lịch.
Với lĩnh vực y tế, cần làm rõ phạm vi công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách khi nhập cảnh vào mỗi nước, kết quả này xét nghiệm có giá trị trong bao lâu. Đồng thời, làm rõ giai đoạn đầu này sẽ vận chuyển khách ở sân bay nào. Tần suất khai thác bao nhiêu chuyến/ngày. Khách nhập cảnh sẽ được giám sát ra sao, trong thời gian bao lâu.
“Nói tóm lại, trước khi khôi phục đường bay Việt Nam - Trung Quốc, hãng sẽ xây dựng quy trình để nhà chức trách xem xét, đánh giá có đủ điều kiện để khôi phục lại chặng bay quốc tế nhộn nhịp này không. Hãng luôn đặt tiêu chí đảm bảo an toàn lên hàng đầu khi khôi phục lại các chặng bay quốc tế” - vị đại diện Vietnam Airlines nói.
Cũng theo vị đại diện của Vietnam Airlines, hãng có bảy tổ luôn theo dõi và bám sát diễn biến tình hình thị trường và các đường bay quốc tế. Qua đó sẽ có báo cáo đánh giá, phân tích tình hình dịch bệnh và dự báo nhu cầu khách đi lại để khi Chính phủ đồng ý khôi phục lại các đường bay quốc tế, hãng có phương án khai thác kịp thời và đảm bảo an toàn.
Còn theo đại diện Bamboo Airways, đội bay của hãng cũng đã sẵn sàng bay quốc tế khi nhà chức trách cho phép. Tuy nhiên, vị đại diện hãng cho biết hãng đang nghiên cứu đường bay, dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 hãng mới triển khai chính thức đến Trung Quốc.
Hãng hàng không VietJet có tần suất khai thác khá cao trên đường bay Việt Nam - Trung Quốc, tuy nhiên hãng khá thận trọng về lộ trình và kế hoạch khôi phục đường bay này sau khi Chính phủ có đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chỉ đạo Việt Nam Airlines khẩn trương đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước trong thời gian sớm nhất. Nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia và lưu học sinh nước ngoài tăng cao nên quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng theo thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, cách ly trong nước. |