Hậu Giang: Đến năm 2026 sẽ tinh giản tối thiểu 5% đối với cán bộ, công chức

(PLO)-  Hậu Giang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2026 sẽ tinh giản biên chế tối thiểu 5% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 5% đối với viên chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ký ban hành đề án thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ.

Theo đó, giai đoạn 2023-2024, Hậu Giang đặt mục tiêu tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 2% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 2% đối với viên chức. Giai đoạn 2024-2026 sẽ tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 3% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 3% đối với viên chức.

Hiện, cơ cấu tổ chức cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang hiện đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Hiện, cơ cấu tổ chức cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang hiện đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 để thực hiện đạt chỉ tiêu biên chế Trung ương giao. Đồng thời, thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản biên chế hàng năm đến từng cơ quan, đơn vị theo lộ trình, giai đoạn 2023-2026 của Đề án này. Cạnh đó, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm.

Mặt khác, quy định cụ thể tỉ lệ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng: các cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ phải có cán bộ được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ đó, làm cơ sở đưa ra khỏi biên chế những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, thay thế những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bằng những cán bộ trẻ, có phẩm chất và năng lực.

Ngoài ra, xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tự nguyện tinh giản biên chế. Hình thành nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phù hợp với quy định của nhà nước và huy động nguồn xã hội hoá để tăng hỗ trợ bằng tiền đối với cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế.

Đồng thời, khẩn trương triển khai xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh để thực hiện quản lý biên chế, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm. Cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị và ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và hoạt động của các cơ quan, đơn vị để tinh giản biên chế.

Theo Tỉnh ủy Hậu Giang, cơ cấu tổ chức cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh hiện đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Đây thực sự là trở lực và thách thức lớn nhất trong công tác tổ chức xây dựng đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới.

Một hạn chế nữa là nguồn cán bộ đầu vào nhìn chung chưa cao, số lượng và tỉ lệ cán bộ được đào tạo bài bản thấp, chủ yếu cán bộ không qua thi tuyển. Tại hầu hết các cơ quan, đơn vị còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ. Tuổi đời bình quân cán bộ khá cao và đang trong tình trạng già hóa do thiếu chỉ tiêu tuyển mới cán bộ đầu vào, tỉ lệ cán bộ trẻ từ 30 tuổi trở xuống rất thấp (chỉ đạt khoảng 9%).

Tính đến tháng 10-2022, tổng số cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 14.823 người, trong đó, có 1.940 cán bộ, công chức và 12.883 viên chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm