Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ hiện chiếm 80%, trong khi đó DN cỡ trung và lớn rất ít. Để bắt đầu cuộc chơi mới với nhiều thách thức và cạnh tranh, DN cần có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Đặc biệt, cần có sự liên kết giữa các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập. Đó là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong sự kiện thường niên Vietnam Ceo Forum 2014 chủ đề “Bước đi nào cho cuộc chơi mới” do năm hiệp hội tại TP.HCM tổ chức vào ngày 24-9.
Biến chiến trường thành thị trường
Bà Lan đặt câu hỏi: Một cuộc khảo sát cho thấy tại Malaysia có tới 90% DN tự tin bước vào cuộc chơi mới họ sẽ thành công. Tại Singapore cũng có tới 81% DN có niềm tin như vậy. Nhưng chúng ta thì có bao nhiêu %? Một chuyên gia kinh tế nước ngoài cho biết DN Việt đang tỏ ra bi quan trong việc thua các đối thủ nước ngoài ở sân chơi mới. Bởi vậy Chính phủ, DN và các thành phần khác trong xã hội cần có sự thảo luận thẳng thắn hơn về các vấn đề để tháo gỡ.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, cũng thừa nhận nếu xét về khía cạnh độ minh bạch, chuyên nghiệp… thì Việt Nam đang đứng ở mức trung bình và trung bình thấp. Tuy nhiên, chúng ta phải có niềm tin Việt Nam là quốc gia năng động và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Vậy liệu khi bước vào sân chơi này, chúng ta sẽ thắng hay thua?
Theo TS Phạm Chi Lan, các DN cần có sự liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập. Ảnh: HTD
Ông Thành cho rằng không nên dùng khái niệm thắng hay thua mà cái chính là chúng ta sẽ đóng góp một phần vào cho sự phát triển trong khu vực và thế giới. Hội nhập là cùng học hỏi lẫn nhau. Bởi cuộc chơi này dựa vào chiếc bánh của nền kinh tế của một đất nước. Chiếc bánh ngày càng to và to rất nhanh nên có thể ai cũng thắng. “Còn nhớ năm 1995, cách đây 20 năm giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo ra là 90% và chỉ có 10% là do DN nước ngoài tạo ra. Tuy nhiên, đến năm 2010 chiếc bánh đó to ra, giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo ra chỉ còn một nửa và DN nước ngoài là 50% còn lại. Như vậy Trung Quốc không thể nói là không được lợi gì. Đó chính là sự kết nối chuỗi giá trị giữa DN trong nước và DN nước ngoài” - ông Thành đưa ra ví dụ.
Dưới góc độ là một doanh nhân, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng thủ tướng Thái Lan có một câu rất hay, DN chỉ có thể biến chiến trường thành thị trường. Còn đã là chiến trường thì phải hy sinh. Vấn đề ở đây là sự quyết tâm đến cùng của DN.
Đồng quan điểm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng khi DN tham gia vào thị trường này chỉ có quyền chấp nhận thắng hoặc thua chứ không thể cùng thắng hoặc cùng thua. Và đừng bao giờ sợ mất tiền, kinh doanh là luôn chấp nhận rủi ro.
Ý chí và sự sáng tạo
Chia sẻ về sự thành công của những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, ông Johnathan cho hay để đạt được hàng chục tỉ USD doanh số, các thương hiệu này cũng ba chìm bảy nổi. Mỗi một sản phẩm làm ra được niêm yết về chất lượng và chỉ cần có một vết xước họ sẽ bỏ sản phẩm đi. Hơn nữa, các thương hiệu trên thế giới họ thiết kế mẫu dành cho hàng tỉ người chứ không chỉ dành cho nước họ. Họ biến hóa, sáng tạo hàng triệu kiểu… Điều đó dần tạo nên thương hiệu với lịch sử 100 năm, 150 năm… Trong khi sản phẩm của chúng ta đôi khi sờn vải cũng qua loa cho xuất đi.
“Chất lượng phải đứng hàng đầu tạo nên sự thành công” - ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), khẳng định. Ông Trai cũng chia sẻ một lần sang Mỹ, khi vào một trung tâm mua đôi giày thể thao thấy nhãn made in Việt Nam nhưng giá rất đắt. “Dù là made in Việt Nam nhưng thương hiệu của Nike. DN nước ngoài kiểm soát rất kỹ các khâu để tạo ra sản phẩm chất lượng hoàn hảo, xây dựng được thương hiệu cho mình” - ông Trai nói.
Theo ông Trần Bá Dương, một vấn đề nữa là phải xây dựng chiến lược phát triển và có lộ trình thực hiện các mục tiêu ngắn, trung hay dài hạn. “Chỉ đáng tiếc trong lúc này DN chúng ta chưa giàu, chưa tích lũy được nhiều đã phải hội nhập. Muốn thành công phải đi cùng với ý chí kiên trì, biến không thành có, biến yếu thành mạnh một cách khoa học và không ngừng sáng tạo” - ông Dương nói.
YÊN TRANG
Tạo ra từng giá trị nhỏ Chúng ta cũng không nhất thiết phải học tất cả mà chỉ tập trung vào những thứ thực sự cần thiết, đi sâu vào nó. Phải suy nghĩ, tìm kiếm các cơ hội nhỏ, từng chút một mới tạo ra cái lớn và có giá trị. Giá trị cộng giá trị thành giá trị vô hình. Ông TRẦN BÁ DƯƠNG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP |