“Từ năm 2012 Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có cơ hội tìm đối tác, mở rộng thị trường tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản… Đến nay có 1.349 hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương và DN bình ổn thị trường. Doanh thu hai chiều đạt hơn 22.000 tỉ đồng” - đây là thông tin bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết tại hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2016 diễn ra ngày 25-11.
Hội nghị năm nay thu hút 954 DN ở 38 tỉnh, thành Đông Tây Nam Bộ, miền Bắc, miền Trung tham gia trưng bày hàng hóa như miến dong Bắc Kạn, mật ong bạc hà Hà Giang, hành tỏi Lý Sơn, trà măng tây Ninh Thuận, rau Lâm Đồng, trái cây các loại Đồng Nai…`
Theo bà Trang, thông qua hoạt động kết nối hàng nông sản, đặc sản từng địa phương sẽ được giới thiệu đến hệ thống phân phối. Các HTX có điều kiện tiếp cận đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Nhà tiêu thụ TP.HCM tìm được nhà cung cấp uy tín, sản phẩm chất lượng.
Tham gia hội nghị, bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông xúc tiến công thương Hà Giang, cho biết lần đầu tiên tỉnh đưa DN tham gia để giới thiệu các đặc sản như cam chanh, chè san khuyết, miến dong… Hiện nay cam sành Hà Giang đã kết nối với chợ đầu mối Thủ Đức với sản lượng khoảng 8-10 container/ngày.
Bà Lê Thị Nhân, chủ cơ sở thu mua chế biến nông hải sản Lê Nhân (Phan Rang), cho biết các sản phẩm mà cơ sở làm theo tiêu chuẩn sạch, không dùng chất bảo quản, nên thời hạn sử dụng chỉ ba tháng. Tuy nhiên có nhiều nhà phân phối yêu cầu thời hạn sáu tháng nên cơ sở không đáp ứng được. Mặt khác, có nhiều thủ tục quy định nên cũng rất cân nhắc để đưa hàng vào.
“Trước đây mứt rong sụn của cơ sở cũng vô được siêu thị địa phương - lúc đó cơ sở chưa đầu tư máy đóng hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm, chỉ làm bằng thủ công, không đẹp lắm nên siêu thị ngưng lấy hàng. Do đó, có những tiêu chí mà cơ sở không hiểu hết được từ nhà phân phối” - bà Nhân chia sẻ.
Bà Trang cho biết sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của địa phương do DN có quy mô vừa và nhỏ hộ gia đình sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí quy chuẩn mẫu mã, bao bì, chứng nhận chất lượng an toàn… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện cung ứng vào hệ thống siêu thị. Thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ khuyến khích DN TP.HCM thực hiện cung ứng vốn, hỗ trợ nhân lực kỹ thuật…cho HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành để sản xuất bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP…