Sáng 18-9, Bộ Công an tổ chức họp báo về hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) lần thứ 39.
Liên quan đến các đối tượng bị truy nã, phóng viên đặt câu hỏi với những trường hợp cụ thể như đối tượng Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, bị truy nã về tội buôn lậu, trốn thuế thì có thể phối hợp để bắt được không?
Bùi Quang Huy vẫn đang bỏ trốn.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết sau khi công an có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy thì người này đã bỏ trốn. Công an ra quyết định truy nã đối với Huy, đồng thời đề nghị INTERPOL (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) phối hợp bắt giữ. Hiện INTERPOL đã đưa Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đề nghị các nước ASEAN truy nã đối tượng Bùi Quang Huy và nếu bắt được thì trao trả cho phía Việt Nam…”, ông Vệ khẳng định.
Liên quan đến tội phạm khủng bố, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết thời gian qua ở Việt Nam có một số vụ như gài bom ở sân bay, gài kíp nổ vào hộp quà ở khu chung cư Linh Đàm… nhưng theo ông “Hiện chúng ta chưa có đối tượng khủng bố và chưa có nước nào đề nghị Việt Nam phối hợp bắt giữ những đối tượng khủng bố. Các đối tượng Việt Nam chủ yếu là tội phạm kinh tế…”, ông Vệ thông tin.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: VIẾT LONG
Trả lời về những dự kiến đề xuất của Việt Nam tại hội nghị, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định các cuộc làm việc song phương sẽ theo nguyên tắc chung. “Còn những đề xuất riêng sẽ diễn ra trong các cuộc làm việc song phương. Ví dụ, làm việc với phía Singapore Việt Nam sẽ đề xuất những vấn đề liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ Nhôm)…”, ông Vệ nói.
Trong sáng cùng ngày, hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) lần thứ 39 đã khai mạc tại Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an bày tỏ tin tưởng thời gian tới đây, với sự điều phối của Ban thư ký, ASEANAPOL sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình mới, cũng như để đối phó với những thách thức mới của thời đại…
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các tư lệnh, các trưởng đoàn và toàn thể hội nghị nỗ lực bàn bạc, thảo luận, đề xuất các giải pháp khả thi nhất để lực lượng Cảnh sát các nước thành viên ASEANAPOL và các đối tác có sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện hơn nữa trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Việc hợp tác trên tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau nhằm gìn giữ khu vực ngày một an toàn hơn.
“Trong hợp tác cảnh sát giữa các nước cần vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để việc phối hợp trong điều tra, khám phá các chuyên án, các vụ án có hiệu quả. Đồng thời, lực lượng cảnh sát các nước thành viên ASEANAPOL và các đối tác cần đạt được tiếng nói chung và có sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế khác nhằm thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất theo đúng tinh thần chung của hợp tác ASEAN…”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Được biết, hội nghị diễn ra từ hôm nay đến hết ngày 19-8, với hai phiên họp toàn thể và các cuộc họp nhóm để thảo luận các vấn đề hợp tác trong phòng, chống tội phạm ma túy, khủng bố, buôn bán vũ khí, mua bán người, cướp biển, khủng bố, công nghệ cao…
Hiệp hội ASEANAPOL gồm 10 thành viên: Bruney, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mianmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng 10 lực lượng cảnh sát các nước đối thoại: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, New Zealand... và 6 quan sát viên... |