Iran cáo buộc một số thực thể của Anh và Đức là đồng phạm trong vụ việc Mỹ tấn công hạ sát Tướng Qassem Soleimani (thuộc Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) hồi đầu năm nay, hãng thông tấn Fars đưa tin.
Ngày 30-12, Tổng Công tố Tehran (Iran), ông Ali Alqasi-Mehr nêu tên công ty an ninh G4S (Anh) và căn cứ không quân Ramstein (Đức) là hai trong những đối tượng mà Tehran muốn truy tố liên quan tới cái chết của ông Soleimani.
Theo đó, căn cứ Ramstein bị quy trách nhiệm đã chỉ đường cho các máy bay không người lái Mỹ tham gia vụ ám sát bằng cách cung cấp thông tin và dữ liệu bay cho Washington.
Trong khi đó, công ty G4S là công ty chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) - nơi xảy ra vụ ám sát. Iran cáo buộc G4S đã tiết lộ thông tin về chuyến bay chở Tướng Soleimani cho "những kẻ khủng bố" - cách Tehran gọi những người đã gây ra vụ tấn công.
Căn cứ không quân Ramstein (Đức), nơi đặt trụ sở chỉ huy Lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi. Ảnh: AP
Trước đó, Lực lượng Huy động nhân dân Iraq (PMF) - một trong những nhóm quân nhân được Tehran hậu thuẫn - đưa ra những bằng chứng cho cáo buộc chống lại G4S. Hai lãnh đạo cấp cao của PMF đã ngồi chung xe với Tướng Soleimani khi chiếc xe bị tấn công hôm 3-1.
Ngày 28-12, ông Qais Khazali, lãnh đạo Phong trào Kháng chiến Asa'ib Ahl al Haq (một chính đảng ở Iraq và là thành viên của PMF), cho rằng với vai trò của G4S ở Baghdad, công ty này đã tham gia hoạt động xác định mục tiêu tấn công cho Mỹ.
Ông Khazali chỉ ra rằng khi chiếc máy bay chở ông Soleimani hạ cánh ở sân bay quốc tế Baghdad hôm 3-1, chiếc xe ô tô của G4S đã có biểu hiện bất thường khi chờ ở lối ra dành cho các hành khách, thay vì đậu gần chỗ hạ cánh như thường lệ.
Ông Trump sẽ bị truy tố dù có hết nhiệm kỳ tại Nhà Trắng
Tổng Công tố Alqasi-Mehr cho biết Iran đã xác định được 48 nghi phạm, bao gồm 45 người Mỹ, bị cáo buộc "liên quan tới vụ tấn công khủng bố" nhắm vào Tướng Soleimani.
Ông Alqasi-Mehr còn cho biết các bản tài liệu tư pháp đã được gửi cho Iraq, Syria, Lebanon, Qatar, Jordan và Kuwait để truy tố 48 nghi phạm này ở phạm vi quốc tế.
Tehran còn thành lập một ủy ban để tìm kiếm những nghi phạm bên ngoài lãnh thổ Mỹ và dẫn độ họ về Iran - ông Alqasi-Mehr nói.
Cũng trong ngày 30-12, Chánh án Iran Ebrahim Raiyeesi cáo buộc đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump là "thủ phạm số một" trong vụ ám sát Tướng Soleimani.
Ông Raiyeesi nhấn mạnh rằng ông Trump không được hưởng quyền miễn truy tố và không có bất kỳ điều gì, kể cả thực tế rằng nhiệm kỳ bốn năm ở Washington sắp kết thúc, có thể ngăn cản Tehran buộc các lãnh đạo Mỹ chịu trách nhiệm trước tội ác chống lại vị tướng Iran.
Đây là những động thái mới nhất của Iran buộc Mỹ và đồng minh phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này trong bối cảnh chuẩn bị tới thời điểm tưởng niệm một năm ngày mất của Tướng Soleimani
Vụ ám sát ông Soleimani diễn ra vào sáng sớm ngày 3-1, khi vị tướng này vừa đến Baghdad (Iraq) trong một chuyến công tác bí mật.
Sau khi xảy ra vụ ám sát, Iran đã đe dọa và có nhiều cuộc tấn công vào Vùng Xanh gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa.
Theo tin tức ngày 30-12 của hãng thông tấn Tasnim, Giáo sư Richard Falk đến từ Đại học Princeton (Mỹ) đã nhận định rằng vụ tấn công hạ sát ông Soleimani hồi đầu năm nay không chỉ vi phạm quyền con người mà theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, đó còn là "hành động chiến tranh".
Ông Falk là chuyên gia về luật quốc tế, từng được Hội đồng Nhân quyền LHQ mời vào nhóm chuyên gia độc lập theo dõi một số vấn đề nóng ở Palestine.