Iran-Israel căng nhau: Lợi Nga, khó Ukraine?

(PLO)- Diễn biến căng thẳng nóng gần đây giữa Iran và Israel có mối liên hệ bất ngờ với chiến sự Nga-Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đêm 13, rạng sáng 14-4, Iran phát động một cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có vào lãnh thổ Israel bằng 170 máy bay không người lái (UAV) tự sát, 30 tên lửa hành trình và 120 tên lửa đạn đạo, theo đài CNN.

Vụ tấn công nhằm đáp trả việc Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích hôm 1-4 khiến 7 thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng mà Iran cho rằng Israel là thủ phạm.

Cũng trong đêm 13, rạng sáng 14-4, Ukraine báo cáo các đợt tấn công của Nga bằng 10 UAV Shaded do Iran sản xuất vào lãnh thổ Ukraine.

Hai diễn biến ở hai khu vực khác nhau và tưởng chừng không liên quan với nhau, nhưng đang cho thấy mối liên hệ mật thiết ở nhiều góc độ.

Nga hưởng lợi khi Iran-Israel căng nhau?

israel.jpg
Tên lửa Iran tấn công TP Tel Aviv (Israel) hôm 14-4. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Giới quan sát cho rằng những căng thẳng hiện tại ở Trung Đông có thể sẽ mang lại một số lợi ích cho Nga.

Đầu tiên phải kể đến là những biến động trên thị trường năng lượng. Theo hãng tin Reuters, ngay từ trước khi Iran tấn công Israel, những lo ngại về khả năng xảy ra vụ tấn công đã đẩy giá dầu toàn cầu tăng trong ngày 12-4. Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 71 cent, tương đương 0,8%, lên mức 90,45 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10-2023. Trong khi đó, dầu thô West Texas của Mỹ tăng 64 cent, lên mức 85,66 USD/thùng.

Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sắp tới sẽ tăng. Trao đổi với Reuters, nhà phân tích Giovanni Staunovo tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sĩ) nhận định khả năng này gần như chắc chắn sẽ xảy ra nếu đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc "vì đây là lần đầu tiên Iran tấn công Israel từ lãnh thổ Iran". Các chuyên gia đồng tình rằng mức tăng sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Israel sau cuộc tấn công của Iran.

Nếu giá dầu chuyển biến đúng như các chuyên gia dự đoán, Nga - một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - sẽ hưởng lợi và doanh thu tăng từ dầu mỏ chắc chắn sẽ hỗ trợ Moscow duy trì hoạt động quân sự ở Ukraine.

Bên cạnh đó, một cuộc xung đột có sự tham gia của Israel, đồng minh của phương Tây ở Trung Đông, cũng sẽ làm phương Tây phân tán sự chú ý khỏi chiến sự Nga - Ukraine.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ) cho rằng trong đòn trả đũa vào Israel, Iran đã triển khai chiến thuật mà Nga thực hiện ở Ukraine, đó là việc kết hợp giữa tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV để xuyên thủng hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây.

Ukraine trước nỗi lo bị bỏ rơi

Như đã đề cập, việc Mỹ và đồng minh phải tập trung vào Israel có thể khiến sự quan tâm dành cho Ukraine suy giảm.

israel.jpg
Binh sĩ Ukraine tham chiến tại TP Lyman, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Chẳng hạn, giữa tháng 10-2023, chỉ vài ngày sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Lầu Năm Góc có kế hoạch gửi cho Israel hàng chục nghìn quả đạn pháo 155 mm, vốn được chuẩn bị để gửi sang Ukraine.

Ngoài ra, gói viện trợ trị giá 95 tỉ USD, trong đó có 14 tỉ USD cho Israel và 60 tỉ USD cho Ukraine vẫn còn đang kẹt tại Hạ viện Mỹ và nguyên nhân của sự trì hoãn là vì các đảng viên Cộng hòa cực hữu tại Hạ viện không muốn tăng thêm viện trợ cho Kiev.

Ngay sau khi Israel bị Iran tấn công, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết Hạ viện sẽ cố gắng để thông qua gói viện trợ cho Israel trong tuần này. Tuy nhiên, ông Johnson không cho biết gói viện trợ có đi kèm khoản viện trợ cho Ukraine hay không.

Giới lãnh đạo Ukraine hiểu rõ thực tế này và đang tìm cách điều chỉnh. Ngày 14-4, bình luận về cuộc tấn công của Iran vào Israel, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc tấn công là một “lời cảnh tỉnh” để Mỹ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh.

“Điều quan trọng là quốc hội Mỹ phải đưa ra những quyết định cần thiết để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh của Mỹ vào thời điểm quan trọng này” - ông Zelensky nói, ám chỉ gói viện trợ đang kẹt tại Hạ viện.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng lưu ý rằng “chỉ có sự hỗ trợ hữu hình” mới ngăn được “UAV và đánh chặn được tên lửa” chứ không phải “lời nói”.

Cựu Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine - ông Volodymyr Omelyan cũng gửi một thông điệp tương tự tới các đảng viên Cộng hòa.

“Tôi hy vọng rằng cuộc tấn công của Iran vào Israel sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các đảng viên Cộng hòa rằng không thể chờ đợi thêm nữa. Bạn không thể thương lượng với những kẻ muốn cướp và giết bạn. Vì vậy, tôi hy vọng rằng tuần tới quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn viện trợ cho Israel và Ukraine” - tờ Politico dẫn lời ông Omelyan.

Căng thẳng Iran-Israel kéo dài không hẳn có lợi cho Nga

Có ý kiến cho rằng Nga không muốn căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang do mối quan hệ mật thiết giữa Moscow với Tehran. Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng phát, Nga đã tăng cường quan hệ đối tác với Iran cả về kinh tế và quốc phòng.

Ukraine và phương Tây liên tục cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga bất chấp việc hai nước này nhiều lần bác bỏ. Theo bà Michelle Grisé - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách RAND Corporation (Mỹ), xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran sẽ hạn chế khả năng Iran tiếp tục đóng vai trò là nhà cung cấp quân sự cho Nga.

Ngoài ra, ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông có thể bị suy giảm nếu căng thẳng Iran-Israel kéo dài. Theo tạp chí The National Interest, hồi tháng 10-2023, Nga đã không thể hỗ trợ đồng minh cũ Armenia trong tranh chấp với Azerbaijan do đang vướng trong cuộc chiến với Ukraine. Và giờ đây, Moscow không muốn việc này lặp lại với đồng minh Tehran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm