Tính đến đầu giờ chiều ngày 27-12, giá vàng thế giới dao động quanh mức 1.807 USD/ounce gần như không đổi so với cuối tuần qua. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 50,3 triệu đồng/lượng.
Tính từ mức giá thấp nhất trong vòng một tháng trở lại đây, kim loại quý từng rơi xuống 1.753 USD/ounce, sau đó quay đầu tăng giá và hiện đang duy trì ở vùng cao nhất trong khoảng một tháng qua.
Như vậy, tính từ vùng đáy vào ngày 15-12, hiện giá vàng thế giới tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng miếng SJC chỉ tăng khoảng 700.000 đồng/lượng so với một tháng trước.
Hiện giá vàng miếng SJC trong ngày hôm nay được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 60,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 61,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên cuối tuần trước.
Nhờ diễn biến trái chiều giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp một chút, hiện giá vàng miếng SJC đắt hơn giá vàng ngoại khoảng 11,2 triệu đồng/lượng. Có thời điểm khoảng cách này vênh nhau tới trên 12 triệu đồng/lượng.
Nhìn lại hoạt động giao dịch mua bán vàng của nhà đầu tư “cá mập” nhận thấy quỹ đầu tư tín thác vàng SPDR Gold Trust liên tục bán ra trong bối cảnh giá vàng giữ xu hướng tăng giá.
Tính từ đầu tháng 12 đến nay, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán hơn 13 tấn vàng, trong khi đó chỉ mua vào 0,87 tấn.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng cho biết: "Trong 10 năm trở lại đây, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn liên tục mua vàng nhưng bán ra rất ít.
Bằng chứng là theo số liệu mới nhất của Hội đồng vàng thế giới vừa công bốc, chỉ riêng trong quý III/2021 Ấn Độ là quốc gia mua vàng lớn nhất trên thế giới với số lượng lên tới 40,12 tấn.
Tiếp đến Uzbekistan mua 25,50 tấn; Kazakhstan mua 11,27 tấn vàng. Vị trí thứ 3 là Brazil mua 8,54 tấn và Nga mua 6,22 tấn.
Nếu tính theo quý thì trong quý I/2021, Nhật Bản đứng đầu thế giới khi mua vào 80,76 tấn. Quý II/2021, vị trí đứng đầu thuộc về Thái Lan với số lượng vàng mua vào lên tới 90,20 tấn.
Tính theo năm thì năm 2020, Ngân hàng trung ương Ấn Độ mua vàng nhiều nhất trên thế giới với khối lượng đạt 41,68 tấn.
Trong khi đó từ năm 2016 -2019, Ngân hàng Trung ương Nga liên tiếp dẫn đầu thế giới là quốc gia mua vàng lớn nhất với tổng khối lượng mua vào trong bốn năm liên lên đến 856,62 tấn.
Mua vào với khối lượng khủng nhưng trong suốt một thập kỷ qua, Nga chỉ bán ra duy nhất 6,22 tấn trong quý I và quý II vừa qua.
Tương tự, các quốc gia khác cũng chỉ tăng thu mua vàng để tăng dự trữ vàng - ngoại hối lên mức cao và số lượng bán ra không đáng kể.
Chẳng hạn như Đức trong 10 năm liền từ 2010 – 2020 đều có động thái bán vàng nhưng số lượng vàng bán ra cao nhất là vào năm 2010 cũng chỉ có 5,82 tấn và thấp nhất là vào năm 2014 với 2,95 tấn.