Từ giữa tháng 5-2017 đến nay, vào các ngày cuối tuần, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) luôn bị ùn ứ, tắc nghẽn, có lúc kéo dài đến 3-4 giờ và trên chiều dài đường 3-5 km. Nhiều người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận đi tìm phút giây thư giãn ở Vũng Tàu đâu chưa thấy lại mang thêm nỗi bực mình, mệt mỏi...
Kẹt từ cao tốc lan xuống quốc lộ 51
Anh Huỳnh Minh Hùng, lái xe cho hãng Thiên Phú chuyên chạy tuyến Bến xe Miền Đông - Vũng Tàu, cho biết tình trạng ùn xe thường xảy ra trên tuyến cao tốc HLD và quốc lộ 51. “Đoạn thường ùn ứ dẫn đến kẹt cứng là ở vòng xoay thị trấn Long Thành. Đoạn này chỉ dài chừng 3 km nhưng có ngày xe của tôi phải mất ba tiếng mới thoát qua được” - anh Hùng cho biết.
PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận đoạn cao tốc HLD (hướng từ TP.HCM đi Vũng Tàu) rẽ phải sang quốc lộ 51 cũng luôn rơi vào ùn ứ. Xe vừa rẽ vào quốc lộ 51 là gặp ngay dòng xe giao cắt, ùn ứ trên quốc lộ 51 nên nhiều lúc xe “đứng bánh” luôn cả giờ đồng hồ. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, trạm trưởng trạm điều hành đường cao tốc HLD đặt dưới cầu vượt quốc lộ 51, cho biết tình trạng ùn ứ thường bắt đầu từ sau 15 giờ đến 19 giờ, thậm chí sau 20 giờ ở chiều từ TP.HCM rẽ phải qua quốc lộ 51 đi Vũng Tàu. Ở chiều từ quốc lộ 51 rẽ trái vào cao tốc HLD cũng thường ùn ứ vào khung giờ trên.
Đèn đỏ quá lâu
Tình trạng ùn ứ, tắc đường không chỉ xảy ra trên đoạn HLD nối quốc lộ 51 thuộc tỉnh Đồng Nai mà còn xảy ra ngay đoạn đầu HLD ở quận 2, TP.HCM. Cụ thể, khu vực nút giao An Phú (điểm gặp nhau của tuyến đường Lương Định Của, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định) là điểm đầu của tuyến cao tốc HLD vào các ngày thường luôn bị kẹt xe vào giờ cao điểm, kéo theo đường cao tốc cũng bị ùn tắc. “Tôi từ quận 1 qua hầm Thủ Thiêm để đi Vũng Tàu nhưng nhiều lần phải mất 30-40 phút mới qua khỏi ba chốt đèn đỏ trên đoạn đường dài chưa tới 500 m ở khu vực nút giao An Phú này” - ông Huỳnh Minh Trí, một tài xế thường đi lại khu vực này cho biết.
Ùn ứ, kẹt xe trên toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhất là vào những ngày cuối tuần. Ảnh: L.ĐỨC; đồ họa: H.LOAN
Trung tá Lâm Quang Quốc, Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, cho biết trên đoạn này có ba chốt đèn đỏ với thời lượng luôn là 120 giây. “Chớp đèn đỏ quá lâu nên xe luôn bị dồn ứ trước các chốt và nhiều lúc phải mất 2-3 lần chớp đèn thì xe mới qua được một chốt. Vì thế xe luôn bị dồn ứ ở ba chốt liền kề, dẫn đến tắc cả khu vực” - Trung tá Quốc nhận định.
Cũng theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, tại khu vực nút giao An Phú, nhiều lúc trong khi xe dồn ứ kéo dài, nhiều tài xế không còn đủ kiên nhẫn đã đánh lái cho ô tô đi chèn vào cả làn dành cho người đi xe máy. Tình trạng này làm cho giao thông tại khu vực không chỉ thêm ùn ứ, hỗn loạn mà cực kỳ nguy hiểm.
TP.HCM cùng Đồng Nai muốn “cứu” cao tốc Ngày 4-8, ông Nguyễn Bôn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết một trong những nguyên nhân kẹt xe cả cao tốc HLD và quốc lộ 51 là do trạm phát thẻ - thu phí của đường cao tốc đặt quá gần nút giao vòng xuyến, chưa tới 500 m. Do đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đề nghị VEC E sớm dời trạm phát thẻ - thu phí ra xa vòng xuyến về hướng TP.HCM, đồng thời mở rộng mặt đường vào trạm. Cùng thời điểm, TP.HCM có văn bản khẩn cấp đề nghị Bộ GTVT sớm xây dựng nút giao thông An Phú với ba tầng nhằm giải quyết ùn tắc ở đây và “cứu” đường cao tốc HLD. Trong đó, tầng 1 xây 2 hầm chui hai chiều, mỗi chiều hai làn xe. Ở tầng 2, xây cầu vượt hai làn xe theo hướng từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc HLD và cầu vượt hai làn xe theo hướng từ ngã ba Cát Lái đi qua Mai Chí Thọ nối vào đường cao tốc. TP.HCM đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 làm trước hầm chui hai chiều cho bốn làn xe nối đường cao tốc HLD với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 1.035 tỉ đồng. |
Thắt “cổ chai” trên cao tốc
Theo thiết kế, tốc độ xe lưu thông trên tuyến cao tốc HLD, đoạn giữa hai trạm thu phí Long Phước và quốc lộ 51 là 120 km/giờ. Thực tế nhiều ngày qua có lúc xe chỉ chạy được 10 km/giờ. Chậm nhất là đoạn ở gần cầu Long Thành đổ về phía Trạm thu phí Long Phước. “Các loại xe luôn phải nhích từng chút để qua cầu Long Thành và Trạm thu phí Long Phước” - anh Nguyễn Hoàng Minh ở Vũng Tàu bức xúc.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E), cầu Long Thành có tốc độ tối đa 100 km/giờ, không có làn dừng khẩn cấp, trong khi toàn tuyến là 120 km/giờ với ba làn xe (hai làn xe chạy và một làn khẩn cấp). Do sự không đồng bộ giữa đường và cầu như thế đã tạo ra điểm thắt “cổ chai” ngay giữa tuyến cao tốc. “Cạnh đó có nhiều xe leo dốc cầu chậm chạp cũng làm cho tốc độ lưu thông qua đây của các loại xe khác bị ảnh hưởng, dồn ứ và có khi tắc nếu xảy ra xe chết máy giữa cầu” - bà Phương cho biết.
Làm sao “giải cứu” cao tốc HLD? . Phóng viên:Có ý kiến cho rằng do lượng xe tăng lên đột biến nên tuyến cao tốc HLD bị ùn ứ và nhiều lúc bị kẹt cứng? + Bà Nguyễn Thị Hoài Phương,Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị quản lý, khai thác cao tốc HLD: VEC E không cho hoàn toàn là như vậy. Có một con số tham chiếu là theo thiết kế, lưu lượng xe thông qua trên tuyến ở giai đoạn 1 (bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp) được đưa vào khai thác từ đầu năm 2015 là 58.500 xe quy đổi/ngày đêm. Trong các tháng vừa qua, lưu lượng lớn nhất có ngày thống kê được là 74.800 xe quy đổi/ngày đêm. Những tháng qua cũng là dịp hè nên lượng xe thông qua đã tăng 20%-25% so với ngày thường. Cá biệt, ở hai đầu nút An Phú và quốc lộ 51 có lúc lượng xe tăng lên gấp 3-5 lần. . Từ thực tế bức xúc trên tuyến HLD thì VEC E có thể đề xuất khẩn cấp như làm thêm cầu Long Thành 2 không? + VEC E đã có báo cáo, đề xuất để trên sớm giải tỏa nút thắt “cổ chai” này. Cũng nói thêm, VEC E có khảo sát, nghiên cứu và đề xuất làm hầm trực thông trên quốc lộ 51 tại vòng xoay thị trấn Long Thành để “giải cứu” cho điểm giao cắt giữa cao tốc HLD và quốc lộ 51. Như đã nói, VEC E là đơn vị quản lý, khai thác đường chứ không phải là đơn vị xây dựng và có quyền quyết định. . Có những việc nằm trong tầm tay, thẩm quyền của VEC E như tổ chức lại giao thông ở khu vực vòng xoay quốc lộ 51? + VEC E có đề xuất thu nhỏ vòng xuyến ở đây. Cạnh đó, VEC E tính mở một làn đường rẽ phải trên quốc lộ 51 cho xe từ hướng Vũng Tàu về TP.HCM rẽ sang đường cao tốc theo hướng đi Dầu Giây, sau đó đi đến điểm quay đầu để hướng về lại TP.HCM. Khi đông xe VEC E sẽ cử người điều tiết xe hướng Dầu Giây đổ về dừng lại để ưu tiên xe hướng từ Vũng Tàu về TP.HCM. . Có ý kiến cho rằng tuyến cao tốc HLD bị ùn ứ là do VEC E không xả trạm thu phí khi xe quá đông... + VEC E nhận thấy không có kẹt xe kéo dài ở trước và sau hai trạm thu phí ở đầu giáp với quốc lộ 51 và trạm Long Phước. Ùn ứ hoặc có dẫn đến kẹt xe là ở ba điểm đầu vòng xoay quốc lộ 51, nút giao An Phú và khu vực cầu Long Thành. Cạnh đó, nếu có kẹt xe ở trước và sau trạm thu phí thì phải có đề xuất của CSGT thì VEC E mới xả trạm được. Vì việc xả trạm còn liên quan đến việc tuần tra, kiểm soát, xử lý giao thông của các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến. . Cũng có ý kiến phản ánh VEC E không kết nối thông tin với phà Cát Lái để phối hợp “nhả” bớt xe khi ùn ứ trên cao tốc chuyển sang đi qua phà? + VEC E có kết nối, chia sẻ thông tin với hai Sở GTVT TP.HCM, Đồng Nai và các đơn vị liên quan để nắm tình hình giao thông trong bán kính 25-30 km (chứ không phải chỉ 22 km của đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành). Các thông tin giao thông trên tuyến cao tốc, ở các nút đầu tuyến và cả khu vực trong bán kính nêu trên luôn được thông tin cập nhật trên VOV, VOH giao thông để người lái xe có sự lựa chọn phù hợp. |