Khởi tố vụ án nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải

Ngày 17-10, lãnh đạo Công ty CP Viwaco, đơn vị cấp nguồn nước sạch sông Đà nhiều nhất cho người dân Hà Nội, xác nhận công ty này đã cấp nước trở lại từ 20 giờ 30 ngày 16-10. Tuy nhiên, do mới cấp trở lại, áp lực nước còn yếu nên khu vực ở gần nước tới trước, khu vực ở xa sẽ tới sau. Công ty Nước sạch Hà Đông cũng xác nhận đã cấp nước trở lại cho khách hàng từ 21 giờ tối 16-10.

Liên tục lấy mẫu kiểm tra

Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là chất lượng của nguồn nước sạch sông Đà có đảm bảo hay không. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (gọi tắt là trung tâm), đến chiều 16-10, kết quả mẫu nước lấy tại bể của Nhà máy nước Sông Đà kiểm nghiệm có 107/107 chỉ tiêu trong ngưỡng cho phép. Vì vậy, Sở Y tế TP Hà Nội đã đề nghị Nhà máy Sông Đà cấp nước trở lại để phục vụ sinh hoạt cho người dân, thau rửa bể ngầm.

Tuy nhiên, ông Cảm khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nước này để sinh hoạt, chưa sử dụng cho việc ăn uống. “Dự kiến 1-2 ngày tới, chất lượng nguồn nước có thể ổn định trở lại, điều này phụ thuộc vào khắc phục của Nhà máy nước Sông Đà và quá trình thau rửa bể nước ngầm của người dân” - ông Cảm nói.

Ông Cảm cũng cho biết việc lấy mẫu nước kiểm nghiệm, phân tích được trung tâm liên tục lấy mẫu từng ngày. Mẫu nước được lấy ở nhiều vị trí của Nhà máy nước Sông Đà như bể thành phẩm, bể trung gian (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), bể điều tiết (ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), tại họng nước kiểm soát đấu nối với hệ thống nước của Công ty Viwaco… và liên tục lấy mẫu nước tại các hộ dân trong những khu vực sử dụng nguồn nước sông Đà để kiểm nghiệm, phân tích.

Theo ghi nhận của PV, một số khu vực bị ảnh hưởng của nước sạch sông Đà đã được chuyển sang nguồn nước sạch dự trữ của TP Hà Nội. Tuy nhiên, người dân vẫn e dè, chưa dám sử dụng. “Theo thông báo, hiện nguồn nước cấp cho các xã của huyện Thanh Trì, trong đó có dự án EcoGreen City đã được chuyển sang nguồn nước sạch dự trữ của TP Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài thông báo kể trên, chúng tôi chưa nhận được thêm bất cứ thông tin chính thức và đủ tin cậy nào để khẳng định nước không còn bị nhiễm độc nên chỉ dám dùng để tắm giặt” - chị Lương Ngọc Thảo, một cư dân sinh sống ở đây cho biết.

Hiện chủ đầu tư và cư dân tại chung cư dự án EcoGreen City quyết định lùi lịch thau bể và súc xả đường ống, chờ đến khi đảm bảo hệ thống đường ống, nguồn cấp vào đã xử lý triệt để nguồn nhiễm độc hóa chất mới sử dụng. Hiện nước để ăn uống, cư dân vẫn dùng nước đóng chai, đóng bình có nguồn gốc đảm bảo an toàn.

Người dân sống tại chung cư VOV Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xách can, chậu lấy nước tại xe téc. Ảnh: AN HIỀN

Khởi tố vụ án, đang tìm thủ phạm

Chiều 17-10, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo về vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đổ trộm. Theo UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 9-10, người dân phát hiện khu vực suối đầu nguồn tại đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu thải này chảy vào hệ thống lấy nước sản xuất của Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Chiều 9-10, phía Viwasupco đã phát hiện tình hình và thông báo đến Công an xã Phúc Tiến và Công an huyện Kỳ Sơn.

Tại cuộc họp báo, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan công an Hòa Bình xuống ngay hiện trường thu thập, lấy lời khai, truy xét, truy tìm đối tượng đã đổ trộm dầu thải. Đồng thời, ngày 16-10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. “Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra, do liên quan đến vấn đề nghiệp vụ nên chưa thể cung cấp nhận diện về chiếc xe tải đổ trộm dầu thải cũng như lời khai về vấn đề này của các nhân chứng” - ông Đức thông tin.

Về việc có điều tra làm rõ trách nhiệm của phía Viwasupco vì có dấu hiệu sử dụng nguồn nước nhiễm dầu sản xuất nước sạch cung ứng cho người dân, ông Đức nói: “Cơ quan công an đang tiến hành điều tra và trong quá trình điều tra sẽ xem xét cụ thể. Quan điểm của công an tỉnh là sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó”.

Khởi tố vụ án là rất cần thiết

Theo luật sư Kim Ron Tha, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc cơ quan công an khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện hành là rất cần thiết để xác định các cá nhân có hành vi đổ dầu thải và khởi tố bị can về tội danh này. Mức hình phạt tối đa của tội này lên đến bảy năm tù, trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt đến 20 tỉ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bình luận thêm, một thẩm phán chuyên xét xử các vụ án hình sự về môi trường còn cho rằng nếu chứng minh được phía Viwasupco đã tự kiểm tra nguồn nước theo đúng quy trình và phát hiện bị ô nhiễm nhưng vẫn cố tình cung cấp cho dân sử dụng, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan công an có thể xem xét trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan tại Viwasupco về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự hiện hành. Về phần trách nhiệm dân sự của các bên liên quan sẽ được các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết ngay trong vụ án hình sự này.

HOA THI ghi 

Chất styren có hại cho sức khỏe

styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm rất độc hại, thường được sử dụng để sản xuất polymer, nhựa, sợi thủy tinh, lớp phủ và thùng xốp… Chất này xâm nhập vào cơ thể con người qua con đường ăn uống, hô hấp, khí thải… Tuy là chất rất khó ngấm vào nước nhưng khi ngấm, styren dễ bay hơi và phân hủy do vi khuẩn. Con người khi mới tiếp xúc với styren sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt, bởi hàm lượng ít và có thể được đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, do styren được xếp vào nhóm chất độc nên về lâu dài, dù tiếp xúc với một lượng nhỏ cũng không tốt cho sức khỏe. Styren trong cơ thể sẽ gây ra các kích ứng trên da, mắt, mũi, hô hấp, tiêu hóa, thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.

Theo GS-TSKH Trần Văn Sungnguyên Viện trưởng Viện Hóa học, 
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm