Khủng hoảng châu Âu: Buộc bụng, cắt lãi rồi… suy thoái

Thực tế rất dễ dẫn đến phải trả giá đắt cho ổn định kinh tế và an sinh xã hội.

Nhiều bóng ma đang cùng lúc ám ảnh khắp châu Âu. Khi nợ công-thâm hụt ngân sách vẫn như lưỡi hái tử thần lơ lửng, lục địa già đang bị viễn cảnh suy trầm kinh tế ám ảnh. Trong khi các thông số về cân bằng thu chi ngân sách tỏ ra tích cực, chuyển động theo xu hướng mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mong đợi, thì tỉ lệ thất nghiệp trong hai tháng đầu năm của khu vực này tăng cao kỷ lục. Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat đưa ra số liệu 10,8 % dân số trong tuổi lao động tại 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu không có việc làm, đánh dấu mức thất nghiệp cao nhất kể từ khi đồng euro được thành lập.

Cuối tháng 3, mạnh tay nâng quỹ cứu trợ tài chính lên mức 800 tỉ euro, tương đương 1.000 tỉ đô la cùng với khung chính sách ràng buộc khắc khổ, các nhà lãnh đạo khối Euro đưa ra một thông điệp mạnh mẽ. Thông điệp này dường như được đón nhận một cách tích cực. Các thông số về cân bằng thu chi ngân sách ở các nước có vấn đề ngân sách chuyển động theo xu hướng mà EU và IMF mong muốn. Về cán cân mậu dịch, xuất khẩu của Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha đều tăng. Số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) đưa ra, Tây Ban Nha đã giảm thâm hụt mậu dịch từ -5,8% năm 2008, xuống +0,5% trong năm 2011. Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng giảm đi gần 50% thâm hụt mậu dịch của nước mình trong cùng một khoảng thời gian.

Khủng hoảng châu Âu: Buộc bụng, cắt lãi rồi… suy thoái ảnh 1

Áp dụng các biện pháp cân bằng ngân sách để đối phó với nợ công, tỉ lệ thất nghiệp ở 17 nước khu vực đồng euro tăng cao chưa từng thấy.

Tình hình ngân sách-tài khóa cũng nhiều gam màu sáng. Trong bản trình bày tình hình tài khóa cách đây không lâu, chính phủ Madrid đưa ra con số 27,3 tỉ euro đã được tiết kiệm thông qua việc cắt giảm, xiết chặt các dự án đầu tư, cơ sở hạ tầng và các khoản chi tiêu công. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một kế hoạch cắt giảm lớn nhất từ 1975 trở lại đây. Còn ở Bồ Đào Nha, chính phủ ở Lisbon nhanh chóng tiến hành giảm các khoản chi tiêu công, tăng thuế, tư nhân hóa các công ty quốc doanh và làm “mềm hóa” luật sa thải, tạo điều kiện cho thị trường lao động uyển chuyển và tự do hơn. Những cải cách này - theo EU, IMF và Ngân hàng Trung Ương châu Âu - sẽ giúp Bồ Đào Nha từ đây đến năm sau tự đứng dậy được bằng đôi chân của mình, mà không cần phụ thuộc vào những gói cứu trợ bên ngoài.

Vấn đề đằng sau những chỉ số màu hồng đó là nguy cơ suy thoái của nền kinh tế quốc gia. Biện pháp khắc khổ phục vụ lợi ích thắt chặt vĩ mô song hành với hệ quả là nền kinh tế thiếu “máu” để vận hành sản xuất. Sản xuất đình đốn, buộc xí nghiệp phải đóng cửa và doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Theo thông tin của Eurostat, tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện nay 23%, mà là những người trẻ tuổi trong hơn 50%. Ở Hy Lạp, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao hơn 20%, còn ở Bồ Đào Nha, chính phủ nước này đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp khoảng 35%.

Nhà kinh tế Mỹ Joseph Stiglitz, Nobel Kinh tế năm 2001, từng nhiều lần cảnh báo chính phủ ở châu Âu về việc sử dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” làm vũ khí chống lại cơn bão khủng hoảng nợ công và ngân sách. Theo ông, trên thế giới, không có ví dụ cắt giảm tiền lương, lương hưu và lợi ích có thể chữa lành một đất nước đang trọng bệnh. Phát biểu trên tờ Miền Nam Nước Đức (Sueddeutsche Zeitung), J. Stiglitz nhấn mạnh rằng tiết kiệm quá mức sẽ khơi mào cho những vấn đề khác bắt đầu từ việc suy giảm về tăng trưởng kinh tế. Niềm tin vào những biện pháp khắc khổ như chiếc chìa khóa có thể mở toang mọi cánh cửa làm cho mục tiêu chính sách của Bruxelles bị lệch pha. Tập trung quá nhiều vào việc thúc đẩy các nước bị vấn đề nợ công cân bằng ngân sách (để có thể trả nợ lại cho các ngân hàng) khiến cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bị bỏ quên. Và cái giá của vấn đề này không hề rẻ, xét về mặt kinh tế, lẫn mặt ổn định xã hội.

Vượt qua “vòng xoáy kép” giữa thâm hụt ngân sách và suy trầm kinh tế đòi hỏi một chính sách vĩ mô linh hoạt mà có người đã ví von như điều khiển chiếc xe với một chân thắng, một chân ga. Đạp ga quá mức, xe chạy quá nhanh, khó kiểm soát được; còn đạp thắng quá chặt thì xe gục gặc sẽ không thể tiến về phía trước. Một chút “nhấn ga” trong khu vực euro lúc này là cần thiết. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ bắt đầu và nên được tiến hành ra sao.

TRƯƠNG MINH (Thư từ CHLB Đức)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm