Ngành thuế áp chế thuế thu nhập doanh nghiệp?

Điều 55 Luật Quản lý thuế quy định: “Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau. Luật rất rõ ràng và dễ hiểu. Có nghĩa là cứ quý nào thì tạm nộp dứt điểm quý đó.

Ấy thế nhưng, Nghị định số 126/2020 vừa ban hành, tại điểm b, khoản 6, Điều 8 quy định: “Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm”.

Nếu nộp thiếu thì DN phải nộp tiền chậm nộp cho số còn thiếu. Quy định này khiến nhiều DN âu lo vì có thể sẽ bị phạt bất kể lúc nào.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh ngày 1-12 giải thích với báo chí rằng: sở dĩ có quy định về 75% nói trên một phần vì có sức ép với chi ngân sách của chính quyền địa phương.

Vậy là đã rõ: chỉ vì sức ép chi ngân sách mà Nghị định 126 mới quy định về tạm nộp thuế TNDN như vậy. Xét ra, quy định về thuế TNDN trong Nghị định 126 còn “vượt” cả luật.

Họp báo hôm 1-12, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói quy định về thuế TNDN như ở Nghị định 126 là để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chính quyền địa phương và DN. Ảnh: HỒ HUỆ

Dù ông Minh có viện dẫn “đặc thù” của Luật NSNN thì rõ ràng bản chất là Nhà nước muốn nắm đằng chuôi, muốn có tiền để để chủ động thu chi. Nhưng khi Nhà nước giành thế chủ động thì cũng đồng nghĩa Nhà nước đẩy DN vào thế bị động.

Đại diện Tổng cục Thuế nói sẽ có tiếp thu, nghiên cứu và có thông tư hướng dẫn, nhưng thực tế là DN đang bị đặt vào một tình thế có thể bị phạt chậm nộp bất cứ khi nào doanh thu quý IV… tốt hơn các quý còn lại.

Trở lại vấn đề, Luật quy định rất rõ DN tạm nộp thuế TNDN theo quý, vậy thì vì sao Nghị định 126 lại quy định phức tạp hơn, khó khăn hơn cho DN? Tại sao không quy định “quý nào dứt điểm quý đó” và hết năm thì quyết toán luôn theo Luật? Hay vì nếu quy định như Luật thì không còn gì để… quy định?

DN luôn phải căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh và cứ phát sinh thu nhập thì mới biết được phải nộp bao nhiêu thuế TNDN. Hết quý III, giả sử DN tạm nộp một khoản, nhưng quý IV chưa biết kết quả kinh doanh, sản xuất thế nào thì làm sao DN biết được thuế cả năm là bao nhiêu để mà nộp cho đủ 75%.

Như vậy, DN mất sự chủ động theo đúng nguyên lý của luật là: “Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp”.

Mặt khác, tạm nộp thuế TNDN, bản chất là Nhà nước ứng trước tiền của DN. Nhưng nếu DN nộp thừa, thì theo ông Minh, không có quy định tính lãi cho khoản nộp thừa ấy. Điều này thật bất bình đẳng.

Tạm nộp thuế TNDN đã được luật hóa, nhưng thuế TNDN loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của DN. Vậy dứt khoát là DN phải phát sinh thu nhập thì mới có căn cứ để nộp hoặc tạm nộp thuế TNDN. Sao lại phải chơi khó DN như vậy nhỉ? 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn cán bộ, đảng viên, công chức ngành thuế: “Thu thuế phải thu được lòng dân”.

Vậy một quy định như “Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp” còn làm DN lo lắng, băn khoăn và phản ứng, thì theo chức năng, cơ quan thuế nên lắng nghe và có đề xuất. Để mỗi đồng tiền thuế đều có thể mang lại niềm vui cho dân, cho Nhà nước.

Như vậy, các quy định về thuế sẽ không mang tính “áp chế”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm