Làn sóng AI- trí tuệ nhân tạo bùng nổ đã khiến nhiều nhân sự trẻ sẵn sàng chi tiền để tham gia các khóa học AI, nhưng không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” vì tìm học không đúng chỗ.
Mất tiền vì các lớp học AI cấp tốc
Nguyễn Ngọc Hải (1999) đang làm việc cho một đơn vị về kinh doanh thương mại điện tử đã thốt lên đầy thất vọng khi nói về khóa học ứng dụng AI cấp tốc trong Marketing, trị giá 5 triệu đồng của mình.
Hải cho biết, khóa học cam kết sẽ giúp người học sử dụng thành thạo Hubspot, Bard Google, chat GPT, Design AI. Tuy nhiên khi tham gia học, giáo viên chỉ gửi học viên tài liệu trên nhóm chat Telegram, đồng thời người dạy sẽ gửi các video để minh họa, nhưng thiếu yếu tố thực hành cho học viên.
“Sau 6 tuần tôi vẫn thấy mình như cưỡi ngựa xem hoa. Thứ tôi nắm được chỉ là giao diện cơ bản của công cụ cũng như vài câu lệnh. Cái chúng tôi cần là tư duy, kỹ năng phát triển câu lệnh, để làm chủ AI và biết được cách phát triển tool AI đơn giản cho người không biết lập trình như tôi”- Hải thất vọng nói.
Tương tự, Minh Anh, sinh viên năm cuối Đại học Kiến Trúc TP.HCM cũng cảm thấy thất vọng về khóa học ngắn hạn ứng dụng Midjourney, DALL-E 2 (hai trình tạo ảnh bằng AI), vì chỉ dừng ở mức độ phổ cập kiến thức, dành cho những người chưa từng nghe hoặc muốn tìm hiểu rõ hơn về AI trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thực tế, chỉ cần gõ từ khóa “Khóa học AI” trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các công cụ tìm kiếm, hàng loạt các khóa học và tài liệu từ miễn phí tới mất phí hàng chục triệu đồng hiện ra. Điều này đủ thấy nhu cầu hiểu biết về AI đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Trung Quốc cơn sốt về khóa học còn được bán trên Taobao- nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, hay trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok với những lời giới thiệu có cánh: “bạn không học thì người khác sẽ kiếm tiền thay” hay đại loại như “đi chậm thì tiến bộ cũng chậm”.
Giá khóa học từ 99-999 nhân dân tệ (khoảng 341 ngàn đồng – gần 3,5 triệu đồng VNĐ). Điều đáng nói, không ít người mua khóa học đều nhận lại sự thất vọng vì “nói nhiều hơn làm”.
Cẩn trọng khi đăng ký khóa học AI
Trao đổi với PLO, ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) nhìn nhận trước tâm lý FOMO của nhiều người hiện nay, nhiều khóa học về AI- trí tuệ nhân tạo đã ra đời.
Tuy nhiên để tìm các khóa học chuẩn, giáo viên có chuyên môn thì như “đãi cát tìm vàng”.
Theo ông Sơn, hiện nay nhiều khóa học mở ra nhưng học viên học về thì càng thêm mơ hồ vì tính ứng dụng không có.
“Những bạn đã tham gia khóa học vài buổi thấy thất vọng vì vì kiến thức, nền tảng, hiểu biết về AI của người dạy, thì thường là các khóa dạy cách xài công cụ (toolset), chứ hoàn toàn không dạy về tư duy (mindset), quy trình, kỹ năng làm chủ AI.
Toolset rất dễ dạy, dễ học nhưng nông, không sâu. Nếu chỉ dạy toolset, thì học xong các bạn sẽ phải học lại vì tool thay đổi liên tục, các bạn có học 3000 tool nổi không, nhưng khi học mindset, quy trình chuẩn thì không cần phụ thuộc bất kỳ công cụ nào”- ông Sơn đặt câu hỏi.
Cũng theo Phó chủ tịch AIID, để dạy về ứng dụng AI, bản thân người dạy nên làm trong lĩnh vực AI, hoặc có chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực này.
“Chúng ta phải đặt câu hỏi người dạy có làm trực tiếp về AI, có làm sản phẩm AI hay có hằng ngày nghiên cứu các công nghệ AI cho công việc hay không? Có kinh nghiệm triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu hay không?
Để làm khó thầy, xem các thầy có biết mấy cái đơn giản nhất, bạn có thể đặt những câu hỏi kiểu như: Markdown là gì, dùng markdown và xml xây dựng câu lệnh AI như viết content SEO như thế nào? Tại sao click nút copy trên Chat GPT nó khác với format mình nhìn thấy, cách xử lý ra sao? Cách phân tích, làm biểu đồ bằng GPT 3.5 bản miễn phí?…
Thầy nào kiến thức vững thì dễ trả lời. Tất nhiên có thầy không biết không hẳn thầy dở, nhưng đủ thấy thầy có tìm hiểu sâu không. Mấy câu này chỉ hỏi chơi thôi chứ hỏi sâu AI nữa như model, cách huấn luyện finetune, chatbot… thì đa số các thầy dạy không chuyên sẽ rơi vào thế bí”- ông Sơn bày tỏ.
Trước sự bùng nổ của AI, nhu cầu về các khóa học là điều bình thường. Và cũng rất khó để khẳng định các khóa học về AI hiện nay ở Việt Nam có phải "lùa gà" hay không, vì nó phụ thuộc vào nhu cầu, cảm nhận của người sau khi tham gia khóa học. Tất nhiên nó cũng đến từ giáo trình của người dạy.
Thực tế việc dạy AI vẫn chưa quá phổ biến tại Việt Nam vì nhiều rào cản, trong đó có ngôn ngữ, do đó để có một giáo trình bài bản ở từng công cụ vẫn chưa nhiều.
Chính vì thế, theo tôi người muốn học AI nên đi từ cơ bản, đến chuyên sâu rồi nâng cao. Phải chọn các trung tâm, khóa học uy tín có công bố khung chương trình, lộ trình học và cam kết kết quả sau khi hoàn thành khóa học. Cùng với đó chúng ta nên chú ý người dạy phải có kiến thức hoặc đang làm trong lĩnh vực AI, để có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để truyền đạt.
Ông ĐÀO TRUNG THÀNH, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo.