Cuộc trò chuyện ngoặt hướng sang lần thử doping vào năm 1996, và Armstrong đã quyết định tiết lộ những gì chưa nói trong lần trả lời phỏng vấn (thực chất là “thú tội) với Oprah Winfrey cách đây 9 tháng.
Âm mưu lớn?
O’Reilly nhìn thẳng vào Armstrong và chất vấn rằng chắc chắn còn có một âm mưu lớn hơn đằng sau câu chuyện này. Cựu tay đua người Mỹ, sau một chút ngập ngừng, đã đưa ra một cái tên: Hein Verbruggen, cựu Chủ tịch Liên đoàn xe đạp Thế giới (UIC). Armstrong thú nhận rằng đây chính là người đã giúp anh vượt qua tất cả những kỳ kiểm tra doping trong 6 năm, từ 1999 đến 2005, để anh có thể giành đến 7 chức vô địch Tour de France.
Thực chất, vụ thử doping năm 1999 đã phát hiện ra Armstrong có phản ứng dương tính với chất cấm, nhưng Verbruggen đã khuyến khích tay đua người Mỹ che đậy sự thật này và thậm chí đồng lõa cho Armstrong tiếp tục sử dụng. Anh cũng tuyên bố rằng mình sẵn sàng tiết lộ chi tiết của scandal có dính líu đến rất nhiều quan chức cấp cao khác của UCI, nếu Chủ tịch mới Brian Cookson tổ chức một cuộc điều tra độc lập về sự việc này.
Armstrong (trái) và phóng viên Emma O’Reilly (phải) của Sportmail.
Cáo buộc này đã phản bác lời phát biểu của Verbruggen rằng ông không hề dính líu gì đến scandal của Lance Armstrong. Vào tháng Hai năm nay, Verbruggen gửi một lá thư cho 15 Ủy viên Olympic để công kích Cục phòng chống Doping Thế giới (WADA) và phủ nhận mọi liên quan của ông với bê bối Lance Armstrong gây ra.
Cụ thể, Verbruggen viết: “Tôi đã nhận được rất nhiều lời buộc tội rằng trong nhiệm kỳ của tôi, Liên đoàn xe đạp Thế giới đã không nghiêm túc trong công tác phòng chống doping, đặc biệt với trường hợp của Lance Armstrong, thì UIC và tôi bị cáo buộc rằng đã tham gia bao che các xét nghiệm dương tính của anh ta. Nhưng không có sự bao che nào hết. Không chỉ vì đây là điều không được phép, mà thật ra chẳng có gì để mà che giấu. Armstrong cũng như các đồng đội chưa bao giờ cho phản ứng dương tính”.
Chiến thắng của sự thật
Vebruggen cũng phê phán kịch liệt WADA, lẫn các quan chức chống doping ở Mỹ và Pháp đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn Armstrong gian lận trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng Verbruggen cũng không hoàn toàn trong sạch: Vào tháng Chín, ông và người kế nhiệm chức Chủ tịch UIC Pat McQuaid đã phải đối mặt với cáo buộc về những hành vi gian lận trong cuộc bầu cử vào ghế Chú tịch. Một hồ sơ 54 trang đã buộc tội McQuaid và Verbruggen tham nhũng.
Cụ thể, họ đã gạ gẫm tiền từ ông chủ đội Bưu điện nước Mỹ vào năm ngoái, vì đã che đậy cho Armstrong bằng cách thay đổi quy trình xét nghiệm doping, cũng như đã bao che cho Alberto Contador vào năm 2010.
Armstrong tỏ ra giận dữ trong cuộc phỏng vấn với Sportmail: “Tôi không có lý do gì để bảo vệ bất kỳ ai trong số những người này, sau những gì họ đã đối xử với tôi, đó thậm chí là sự lố bịch. Tôi không muốn che giấu cho họ nữa. Tôi không việc gì phải trung thành với họ. Tôi không nói dối để bảo vệ những kẻ này. Tôi ghét họ. Họ ném tôi ra đường. Tôi và họ đã kết thúc mọi chuyện”.Điều đáng nói là không chỉ USADA, mà 11 đồng đội cũ của Armstrong cũng sẵn sàng đứng ra làm chứng chống lại tay đua này. Một điều có vẻ rất kỳ lạ: Tại sao người Mỹ lại “vạch áo cho người xem lưng”, trong khi chính Liên đoàn xe đạp Thế giới đã “khuất mắt trông coi” với vụ gian lận của Armstrong? Tay đua này vốn là một biểu tượng của nước Mỹ, nhưng khi người Mỹ cần sự trung thực, thì anh đã bị kéo đổ không thương tiếc, mà không có sự thỏa hiệp nào. Tấm màn sương che phủ một huyền thoại đã bị phá bỏ, và chỉ có một chiến thắng duy nhất: Chiến thắng của sự thật, và tòa án lương tâm.
Họ đã nói + Lance Armstrong: “Tôi không có lý do gì để bảo vệ bất kỳ ai trong số những người này, sau những gì họ đã đối xử với tôi, đó thậm chí là sự lố bịch”. + Chủ tịch UIC, Verbruggen: “Tôi chưa bao giờ hành động không đúng mực, và lương tâm của tôi là hoàn toàn sạch sẽ”. + Bernard Hinault, tay đua từng 5 lần vô địch Tour de France: “Anh ta (Armstrong) chắc không hiểu được lòng kiêu hãnh là thế nào khi chiến thắng mà không cần doping”. |
Theo Ban Cầm (TT&VH Online)