Lao động thấp thỏm đợi lương

Doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng, sản xuất, kinh doanh sắt thép không giải ngân được vốn khiến người lao động phải đối mặt với tình trạng bị nợ lương triền miên nhiều tháng liền.

Hợp đồng tiền tỉ, trả lương nhỏ giọt

Đó là tình cảnh khốn khó của những kỹ sư, công nhân lao động đang làm việc trong ngành xây dựng. Anh Tường, kỹ sư giám sát của một công ty xây dựng nhà nước, cho biết công ty trúng thầu hợp đồng xây dựng ba ký túc xá cho ba trường ĐH lớn tại TP.HCM có tổng trị giá hơn 200 tỉ đồng. Với gói thầu lớn này ai trong công ty cũng mừng vì có công ăn việc làm dài dài thế nhưng từ đầu năm đến nay, người lao động chỉ nhận được gần hai tháng lương để sống cầm chừng. Những tháng còn lại công ty thông báo do chưa giải ngân được vốn từ chủ đầu tư nên người lao động ngậm ngùi ngồi chờ. “Dịp 30-4, công ty cho anh em ứng 2 triệu đồng để ăn lễ chứ không thì không biết xoay xở ra sao” - anh Tường tâm sự. May thay, vợ anh làm công nhân may lương eo hẹp nhưng ổn định nên hai vợ chồng “cầm cự” thấp thỏm đợi ngày lĩnh lương.

Tương tự, anh L., kỹ sư xây dựng thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Nội ngoại thất Dầu Khí, cho hay anh mới nhận lương của… tháng 1. Bốn tháng lương còn lại công ty “an ủi” đợi chủ đầu tư giải ngân. Theo anh, những công trình mà công ty đang thi công có giá trị từ 200 đến 300 tỉ đồng nhưng người lao động như anh phải xoay xở đủ bề mới sống nổi. Trong khi đó, công nhân làm việc trực tiếp thì được “ưu ái” hơn vì hằng tháng họ được thanh toán từ 50% đến 60% lương nhằm duy trì công việc của họ trên các công trường.

Lao động thấp thỏm đợi lương ảnh 1

Không giải ngân được vốn khiến nhiều công trình xây dựng phải nằm trơ gan, thu nhập của người lao động vì thế cũng bị ách lại. Ảnh: P.ĐIỀN

Một điều khá nghịch lý của những công nhân làm trong ngành xây dựng là: Dù bị nợ lương triền miên nhưng họ không bỏ việc mà vẫn bấm bụng đi làm để nhận lương theo kiểu nhỏ giọt. “Công ty cũng bật đèn xanh để anh em tính đường kiếm sống nhưng ngẫm lại bốn, năm tháng trời làm việc cực nhọc, nếu bỏ đi lúc này sẽ mất trắng” - anh L. lý giải.

Thép, xi măng đồng loạt cắt giảm thu nhập

Anh LVB, kỹ sư bộ phận kỹ thuật thuộc Công ty Xi măng Cẩm Phả phía Nam, cho hay từ đầu năm 2012 họ chỉ nhận được 80% lương so với mức lương của năm 2011. Đến đầu tháng 4-2012, công ty tiếp tục thông báo nếu doanh thu bán hàng từ tháng 4 không đạt thì họ chỉ được lĩnh 80% của mức lương họ đang hưởng mà thôi. Theo kỹ sư này, nguyên nhân do thị trường xây dựng bị đóng băng nên xi măng sản xuất ra cũng đóng băng tại nhà máy, khó bán ra mặc dù công ty cũng dùng nhiều “chiêu” để hút khách hàng.

Xi măng đông cứng, ngành thép cũng vì thế mà chịu chung cảnh ngộ. Giám đốc tài chính một công ty thép cho hay doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay giảm khoảng 40%. Hàng bán không được khiến thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. “Lương mềm” bị cắt giảm, “lương cứng cũng được cân nhắc điều chỉnh để đảm bảo quỹ lương. “Chung quy lại thu nhập của người lao động giảm khoảng 50%. Cụ thể, với những người làm quản lý có mức thu nhập từ 12 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Theo vị này, để ứng phó với tình hình khủng hoảng, công ty chỉ sản xuất cầm chừng và tập trung tái cấu trúc bộ máy; siết chặt tuyển dụng, cắt giảm khoảng 40% lao động, vì tình hình tài chính không thể giữ hầu bao được lâu hơn. “Đây chỉ là cách giảm lao động nhằm giảm chi của quỹ lương, còn thực tế thu nhập của người lao động không được cải thiện” - vị này cho hay.

Giám đốc điều hành một công ty chuyên về đào tạo nghề tại TP.HCM cho biết từ giữa năm 2011 đến nay, nhu cầu tuyển dụng học nghề giảm 40%. Theo đó, công ty phải lên phương án cắt giảm khoảng 10% nhân sự ở nhiều phòng, ban nhằm tiết giảm các chi phí. “Cắt giảm lao động là quyết định khó, bởi chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều chi phí để tuyển dụng, đào tạo nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện tại không thể duy trì lâu hơn. Đây là giải pháp căn cơ để cải thiện thu nhập cho những người có năng lực, gắn bó với công ty” - vị này cho hay.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bác bảo vệ bên hàng hoa sứ gây bão mạng xã hội

Bác bảo vệ bên hàng hoa sứ gây bão mạng xã hội

(PLO)- Thấy hoa sứ trắng mới rụng còn tươi và đẹp, bác Nguyễn Tài (bảo vệ tại trường Đại học KHXH&NV -  ĐHQG TP.HCM) đã nhặt những bông hoa gài vào hàng cây xanh. Hành động nhỏ ấy đã nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.

Căn cước điện tử là gì?

Căn cước điện tử là gì?

(PLO)- Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước...