Cục cho biết hiện có khoảng 7.000 lao động Việt Nam sang Nga làm việc thông qua các cá nhân, tổ chức trung gian hoặc người thân là người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Nga.
Người lao động sang Nga làm việc theo hình thức này thường không đăng ký hợp đồng theo quy định tại Cục hoặc Sở LĐ-TB&XH địa phương. Họ chủ yếu làm việc tại các “xưởng đen” (nhà máy, công xưởng bất hợp pháp, chủ sử dụng không đăng ký, không đóng thuế, công nhân không có đăng ký cư trú, không có giấy phép lao động...) và một số ít làm việc tại các công trường xây dựng của các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Mọi chế độ đối với người lao động đều thông qua thỏa thuận miệng. Lợi dụng sự dễ dãi này, chủ sử dụng đã bóc lột, thậm chí người lao động còn không được trả lương...
Theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện có khoảng 400 xưởng may (quy mô từ vài chục đến vài trăm công nhân) nằm rải rác trên khắp nước Nga ở những khu vực xa dân cư, trong các nhà máy cũ...
P.ĐIỀN