Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu!

Dù cho người dân có vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường thì khi thu giữ đồ đạc của họ cũng phải lập biên bản đàng hoàng.

Chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường là đúng đắn nhưng quá trình thực hiện cho thấy có sự tùy tiện và gây phản cảm cho người dân, gần đây nhất là vụ cán bộ trật tự đô thị (TTĐT) phường 25 (Bình Thạnh, TP.HCM) đánh đập, còng tay anh Trịnh Xuân Tình. Trên thực tế, không hiếm những cảnh cán bộ TTĐT đi hốt bàn ghế, bảng hiệu… của người buôn bán lấn chiếm quăng lên xe mà không hề lập biên bản vi phạm. Họ làm như vậy có đúng quy định pháp luật hay không?

Sáng 15-8 gần đây, nhiều người dân khi đi trên đường Trương Định (quận 3, TP.HCM) tỏ ra e dè trước “đội quân” gồm nhiều chiếc xe gắn máy “hộ tống” ba xe tải nhỏ chở theo nhiều cán bộ TTĐT, bảo vệ dân phố đi “dọn dẹp” nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Khi đến một quán cà phê nằm ngay giao lộ Trương Định - Võ Thị Sáu, một chiếc xe đánh sát vào lề và một cán bộ bước xuống chộp lấy cái dù che nắng của bảo vệ giữ xe ở quán cà phê thảy lên chiếc xe biển số 51B-0238 rồi chạy tiếp.

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 1

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 2

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 3

Lực lượng TTĐT gom và “hốt” số ghế nhựa của một người bán cà phê “cóc” trên vỉa hè đường Trương Định (quận 3). (Ảnh cắt từ clip) Ảnh: MP

Thấy lấn chiếm là hốt

Khi nhóm này trờ tới khu vực trước trụ sở Sở Xây dựng thì nhiều người đang ngồi trên vỉa hè uống cà phê “cóc” hoảng hốt đứng dậy. Một số cán bộ nhanh chóng có mặt “thu giữ” nhiều ghế nhựa của người dân rồi bỏ vào chiếc xe tải trên…

Tiếp đó, khi đang đi trên đường Lý Chính Thắng, nhác trông thấy một người dân bán trái cây trên chiếc xe ba bánh đẩy tay ngay góc ngã tư Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo, chiếc xe 51B-0237 tách đoàn quẹo trái, cập vào. Ngay lập tức, bốn người trên xe bước xuống chỉ chỏ rồi xắn tay lấy dưa hấu, xoài, ổi… và khiêng chiếc tủ kính đựng trái cây lạnh gọt sẵn vỏ của người dân này bỏ bừa xuống vỉa hè. Xong xuôi, hai người khiêng chiếc xe ba gác đẩy tay đó bỏ vào thùng xe tải 51B-0237 rồi đi mà hoàn toàn không lập biên bản hay có bất kỳ giấy tờ nào đưa cho người dân.

Điều đáng nói, việc tùy tiện hốt hàng, đồ đạc của người dân không chỉ do các cán bộ TTĐT mà nhiều lúc cảnh sát trật tự (CSTT) cũng thực hiện theo “quy trình” vừa nêu, tức thấy vi phạm là hốt mà không hề lập biên bản. Cụ thể, trong một lần đi thực tế, chúng tôi ghi nhận được một tổ CSTT và TTĐT quận Tân Bình hốt hàng của người dân ở Công viên Hoàng Văn Thụ. Lúc này, một người dân đang loay hoay bên chiếc xe bán bánh mì thì lực lượng chức năng đột ngột có mặt khiến chị ta mặt mày xanh lét. Lí nhí năn nỉ nhưng họ vẫn gom tất cả bánh mì và những đồ đạc trên xe để xuống vỉa hè rồi “tịch thu” chiếc xe. Sau khi đoàn rút đi, người phụ nữ này lúi húi dọn dẹp hàng hóa và phía sau lưng là nhiều ổ bánh mì vương vãi trên vỉa hè, lòng đường. Tình cảnh tương tự cũng thường xảy ở khu vực trước Câu lạc bộ thể dục thể thao Bàu Cát (đường Đồng Đen, phường 14, quận Tân Bình). Bà NTT thường xuyên bán hàng rong trên xe đẩy tay tại đây cho biết thường xuyên phải “dọn hàng, giao xe” khi CSTT bất ngờ xuất hiện.

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 4

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 5

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 6

Lập lại trật tự không phải là tùy tiện tịch thu! ảnh 7

Lực lượng TTĐT dọn trái cây trên một xe đẩy tay đậu trên vỉa hè góc ngã tư Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo (quận 3) và để bừa xuống vỉa hè để “hốt” chiếc xe tự chế. (Ảnh cắt từ clip) Ảnh: MP

Kiên quyết khác… lạm quyền

Người phụ nữ bán bánh mì ở Công viên Hoàng Văn Thụ nhìn nhận với người viết việc bán trên vỉa hè là sai nên mới bị “hốt” và chị cũng không có phản ứng gì trước việc “bị tịch thu xe mà không có biên bản”. “Họ hốt xe dữ lắm. Chúng tôi thấy họ là đẩy xe vào hẻm trốn ngay nhưng nếu họ thấy được thì cũng truy, thu giữ xe cho bằng được. Họ thấy là thu thôi chứ có biên bản, giấy tờ gì đâu” - bà G. vừa giấu xong chiếc xe trong hẻm trên đường Thăng Long (quận Tân Bình) khi đoàn vừa qua nói giọng ngắt quãng.

Trước tiên phải khẳng định việc kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường là chủ trương đúng đắn. Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc chấn chỉnh nạn buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra phổ biến trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu phạt nghiêm những trường hợp kinh doanh ở lòng đường, vỉa hè trái phép gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng TTĐT. Từ đây, nhiều địa phương đã “tập trung nhiều đợt cao điểm”.

Kết quả ghi nhận được là ở hầu khắp trụ sở các UBND phường, xã đã trở thành những nhà kho, chứa đầy ắp những bảng hiệu, bàn ghế, xe đẩy tay… Nhiều địa phương còn than vãn rằng một số trường hợp mức phạt cao, người vi phạm không có khả năng đóng phạt, trong khi phương tiện vi phạm là vật dụng tạm, ít tiền nên sau khi bị tạm giữ họ bỏ luôn gây khó khăn cho việc xử lý.

Không có biên bản là trái luật

Trước tháng 12-2013, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép có thể bị xử lý theo Điều 15 của Nghị định 34/2010 được sửa đổi bằng Nghị định 71/2012 hoặc áp dụng Điều 45 của Nghị định 23/2009. Trong đó, mức phạt cho cùng hành vi sử dụng vỉa hè, lòng đường trái phép để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa hoặc rửa xe nếu áp dụng Nghị định 23/2009 thì mức phạt mút khung lên đến 30 triệu đồng, trong khi theo Nghị định 71/2012 thì chỉ 3 triệu đồng. Ông Võ Tấn Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý TTĐT quận 12, cho hay chỉ những vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần mới áp dụng Nghị định 23/2009. Hiện Nghị định 23/2009 đã được thay thế bằng Nghị định 121/2013 (có hiệu lực từ 30-11-2013) và nghị định mới xóa bỏ điều khoản phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hành vi này bị phạt bởi NĐ 34 và 71 nói trên.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đình Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM), dù có áp dụng quy định nào đi nữa cũng không cho phép tùy tiện thu giữ tang vật, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. “Các điều 81, 125 Luật Xử lý vi phạm Hành chính quy định khi tịch thu hay tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập thành biên bản và trao cho người vi phạm một bản. Trong các biên bản này phải nêu rõ số lượng, chủng loại, hiện trạng... vì người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản, nếu gây hư hỏng phải bồi thường hoặc để xử lý đối với phương tiện, tang vật bị tịch thu” - ông Nam nhấn mạnh.

Do người vi phạm “bỏ của chạy lấy người”

Biên bản vi phạm, nhất là biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm phải được lập tại chỗ. Nhưng thực tế, nhiều khi TTĐT có mặt thì người lấn chiếm lòng lề đường “bỏ của chạy lấy người” nên phải tạm giữ tang vật, phương tiện để sau đó mời người vi phạm đến lập biên bản và xử lý.

Một trong những lý do mà TTĐT thường tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm là nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, do các tang vật, phương tiện này có giá trị thấp so với mức phạt nên nhiều người dân bỏ luôn. Trong khi chúng lại mau hư hỏng nên sau một thời gian “bị tạm giữ” thì hư hỏng, giảm giá trị và trở thành những “đống nợ” do việc xử lý, thanh lý gặp khó khăn.

Ông VÕ TẤN KHOA, Đội trưởng Đội TTĐT quận 12

Muốn “hù dân” cũng phải đúng quy trình

Trong các buổi tập huấn cho lực lượng công an phường, TTĐT tôi đều nhấn mạnh đến việc xử lý vi phạm phải theo đúng quy trình. Trên thực tế, do vi phạm khá phổ biến nên nếu dừng lại lập biên bản vi phạm thì những người khác thấy vậy thu dọn nên lực lượng chức năng thường hay thu giữ đồ của người dân rồi thảy lên xe mà đi. Nhưng việc này là không thực hiện theo đúng quy trình, lại gây phản cảm. Và dù có “hù dọa” làm người dân sợ không tiếp tục vi phạm hoặc phạt nghiêm thì cũng phải thực hiện theo đúng quy định.

Theo tôi, lực lượng chức năng có thể cho người mặc thường phục đi “tiền trạm” ghi nhận những nơi vi phạm (nếu cần thiết thì có thể dùng camera ghi hình) để dùng chứng cứ đó xử phạt nghiêm. Biện pháp này có thể hiệu quả hơn thay vì hiện nay nhiều nơi chỉ “hốt” đồ mà không phạt, không làm cho người dân e sợ.

Một chuyên gia luật hành chính(đề nghị không nêu tên)

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm