Lo rác chất thành núi, Đà Nẵng tìm cách 'giải cứu' Khánh Sơn

“Bãi rác Khánh Sơn đến nay đã nhận 3,2 triệu tấn rác. Bình quân một ngày, toàn TP có 1.100 tấn rác, chưa tính rác thải y tế, công nghiệp. Nếu không có giải pháp kịp thời, đến tháng 9-2019, bãi rác sẽ quá tải. Đà Nẵng sẽ đối diện với khủng hoảng rác”. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, nói như trên tại chương trình “HĐND với cử tri” Đà Nẵng lần thứ 5, diễn ra sáng 15-5.

Hiện có hơn 300 người dân mưu sinh bằng nghề nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: TẤN VIỆT

Không thể di dời 3,2 triệu tấn rác

Phát biểu tại chương trình, cử tri Nguyễn Tựa (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ lo lắng về tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn. Ông Tựa đặt câu hỏi rằng TP có di dời bãi rác không và khi nào di dời? Trong khi đó, ông Phạm Tấn Xử, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng đề nghị xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong xử lý bất cập tại bãi rác.

“Trách nhiệm các vấn đề về môi trường là của Giám đốc Sở TN&MT”, ông Tô Văn Hùng thẳng thắn. Tuy nhiên khi nói về di dời bãi rác Khánh Sơn, ông Hùng đặt vấn đề tại sao lại di dời và sự di dời này cùng với việc đóng cửa bãi rác Khánh Sơn liệu có khắc phục được tình trạng ô nhiễm không. Đồng thời, nếu di dời thì 3,2 triệu tấn rác hiện hữu sẽ đi đâu. Việc này không thể giải quyết tổng thể vấn đề ô nhiễm tại Khánh Sơn.

Theo ông Hùng, các Sở, ngành đã tham mưu cho TP theo hướng khác là nâng cấp bãi rác Khánh Sơn hiện tại thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với đầy đủ các hạng mục. Trong đó, cho phép Công ty cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy rác theo công nghệ đốt với công suất 650 tấn/ngày đêm. “Nếu thuận lợi, cuối năm 2020, nhà máy sẽ đi vào hoạt động", ông Hùng nói.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Về lâu dài, ông Hùng cho rằng nếu ngân sách đảm bảo thì sẽ xử lý luôn phần rác đang chôn lấp ở Khánh Sơn để có quỹ đất sạch, kêu gọi đầu tư nhà máy hỗ trợ việc phân loại, xử lý rác.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay Thường trực HĐND TP thống nhất chủ trương tiếp tục sử dụng khu vực bãi rác Khánh Sơn hiện tại, đầu tư nâng cấp trở thành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, lộ trình thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

“Trước mắt tập trung hoàn thành việc trồng cây xanh cách ly, phủ bạt các hộc rác hiện hữu, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 trong năm 2019. Xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân sống gần khu vực bãi rác, nghiên cứu chuyển đổi ngành nghề và sớm chấm dứt tình trạng nhặt rác trong khu vực bãi chôn lấp. Khẩn trương triển khai xây dựng hộc rác số 6, số 7, hoàn thành giữa năm 2020”, ông Trung nói.

Bên cạnh nhà máy xử lý 650 tấn/ngày đêm, Thường trực HĐND TP cũng đề nghị UBND TP tổ chức thi công xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành đối với các hạng mục thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn như nhà máy xử lý rác mới với công suất 1.500 tấn/ngày đêm, lò đốt rác thải y tế và công nghiệp, hệ thống xử lý phân bùn, bể phốt… trong năm 2021.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Đóng cửa khách sạn xả thải không đúng quy định

Chương trình “HĐND với cử tri” Đà Nẵng sáng nay cũng dành nhiều thời gian nói về tình trạng xả thải ven biển. Cử tri Phạm Văn Chi (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng các chế tài xử lý hàng quán lén xả thải chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Quang Nga (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) lo lắng việc hệ thống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Trả lời cử tri, ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng thừa nhận cống nước thải đường Nguyễn Tất Thành bị xì ra biển vì sụt lún. “Các bên đã đi kiểm tra, tăng cường vệ sinh, nạo vét, bảo dưỡng tuyến cống. Hiện đang đầu tư mới tuyến cống, dự kiến trong năm 2019 xong thủ tục và xây dựng hoàn thành trong năm 2020”, ông Trung nói.

Về tình trạng xả thải ven biển phía Đông TP, ông Tô Văn Hùng cho hay khi dự án thu gom nước thải từ đoạn Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng (tổng mức đầu tư 1.448 tỉ đồng) hoàn thành sẽ thu gom toàn bộ nước thải khu vực này.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng dự án này vẫn không thể khắc phục hoàn toàn việc nước mưa tràn ra cửa xả, mà phải tiếp tục có những dự án khác. “Ví dụ như một số nước đã làm là đưa luôn đường xả ra mấy km ngoài biển. Tuy nhiên ngân sách hiện nay chưa làm được”, ông Hùng nói.

Về vi phạm môi trường của các nhà hàng, khách sạn ven biển, ông Hùng cho hay quan điểm của Sở TN&MT là đơn vị nào không thực hiện đúng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì tạm dừng, đóng cửa và xử phạt.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Khu vực nhà hàng, khách sạn ven biển cung cấp lượng xả thải cực kỳ to lớn. Nếu xử lý đúng yêu cầu thì không đến nỗi bãi biển bức bối như bây giờ. “Điều này thuộc về năng lực quản lý từ Chủ tịch trở xuống”, ông Thơ nói.

Kết luận vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung cho hay Thường trực HĐND TP thống nhất tiến hành rà soát việc thực hiện ĐTM tại các chủ nhà hàng, khách sạn từ nay đến tháng 8-2019. Bắt đầu từ tháng 9-2019, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng sẽ dừng hoạt động khi hết thời hạn đối với các cơ sở cấp phép tạm, chỉ cấp phép hoạt động đối với các cơ sở đảm bảo điều kiện theo quy định, đặc biệt là quy định về bảo vệ môi trường.

“Từ ngày 1-4-2018 đến nay, có khoảng 200 sự cố tràn ra biển. Chia đều cho chín cửa xả (phía Đông TP – PV) thì tỉ lệ khoảng 20 đến 22 lần/cửa xả. Trong khi những năm trước bình quân từ 100 đến 125 lần/cửa xả. Như vậy những giải pháp tạm thời phần nào phát huy hiệu quả”, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm