Cần quyết liệt hơn
Trước tình trạng hàng trăm quái xế tham gia “bão đêm” thỉnh thoảng diễn ra, việc cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không hiểu sao tình trạng trên vẫn tái diễn. Phải chăng hình thức xử phạt và mức xử phạt chưa hợp lý?
Tôi cũng đồng tình rằng ngoài việc phạt tiền đối với những đối tượng tụ tập đua xe, phóng nhanh, lạng lách… thì cũng cần bổ sung các biện pháp chế tài khác. Chẳng hạn, đối với những đối tượng vi phạm lần đầu còn đang đi học, cơ quan chức năng phải báo tin về cho gia đình và nhà trường để có sự phối hợp dạy dỗ lại. Với những trường hợp vẫn ngoan cố tái phạm nhiều lần thì phải có biện pháp trừng trị nghiêm khắc hơn như: kiểm điểm trước khu phố, thậm chí bắt lao động công ích…
LÊ THÀNH, phường12, quận Gò Vấp, TP.HCM
Phạt lao động công ích để răn đe hiệu quả
Rất cần có hình phạt bổ sung cho một số hành vi vi phạm hành chính bởi vì nạn thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự về đêm thường do các “cậu ấm, cô chiêu” gây ra. Khi bị xử phạt tiền, dù mức tiền rất cao nhưng những bậc cha mẹ nóng lòng vì con vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra nộp phạt ngay. Chính điều này đã làm mất đi tác dụng giáo dục răn đe đối với những quý tử bốc đồng.
Các xe ôtô đậu sai quy định sẽ bị tháo biển số xe để bảo đảm xử lý. Ảnh: THÁI HIẾU
Các hình thức xử phạt bổ sung, nhất là biện pháp phạt lao động công ích sẽ giúp hình thành ý thức sống có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng. Tuy nhiên, khi đó, nên có sự giám sát chặt chẽ, tránh để xảy ra hiện tượng thuê người làm thay.
ĐỖ HOÀNG SANG, GV Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, TP.HCM
Tháo biển số xe vi phạm
Có lần tôi tình cờ ngồi cạnh một tài xế ôtô vừa đậu xe vào uống cà phê trong một quán cóc trên một con đường nhỏ ở quận 1
(TP.HCM). Khoảng 5 phút sau, hai người thuộc lực lượng thanh tra xây dựng quận tiến tới chiếc ôtô với xấp giấy tờ trên tay. Thì ra người tài xế trên đã đậu xe sai quy định, khiến dòng xe lưu thông trên con đường nhỏ đã nhiều lần bị nghẽn. Hai người thanh tra nhiều lần dùng tay đập nhẹ vào xe để hỏi thăm ai là người điều khiển nhưng người tài xế vẫn ngồi yên, ra vẻ không hay biết. Đợi một lúc lâu vẫn không thấy ai ra nhận xe, hai người thanh tra liền đi làm nhiệm vụ nơi khác.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp vi phạm của giới tài xế ôtô nhưng lực lượng chức năng rất khó khăn khi xử lý, chỉ vì giới tài xế có hành vi trốn tránh. Vì thế việc quy định tháo biển số xe ôtô vi phạm để bảo đảm việc xử lý là cần thiết. Một số trường hợp, tôi cho rằng kiên quyết áp dụng biện pháp dùng xe cẩu kéo xe về nơi xử lý.
THANH NHÀN, 7 Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Tăng cường vận động người buôn bán nhỏ
Theo tôi, mức phạt 20-30 triệu đồng đối với những người buôn bán nhỏ lấn chiếm lòng, lề đường theo Nghị định 34 không khả thi vì phần lớn họ không có tài sản đáng giá và cũng không có chỗ ở ổn định nên chính quyền khó cưỡng chế buộc họ nộp phạt.
Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh những người bán rong nháo nhào quơ đồ đạc trốn chạy khi có lực lượng công an tuần tra nhưng khi mọi chuyện êm xuôi, họ lại quay về bám víu nơi cũ để buôn bán. Nên chăng đối với những người buôn bán nhỏ lẻ, nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì buộc phải nộp phạt với số tiền lớn hơn và buộc phải lao động công ích, thời gian lao động tương ứng với số tiền nộp phạt cần kết hợp việc xử phạt với việc vận động, tổ chức cho họ buôn bán ở nơi thích hợp.
Đối với một số nhà có mặt bằng kinh doanh hẳn hoi nhưng vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán thì cần kiên quyết xử phạt, thậm chí vi phạm lần hai, lần ba thì kiên quyết rút giấy phép kinh doanh và quy định trong thời gian bao lâu mới được cấp lại.
huynhminhminh@gmail.com
Phải có người chốt chặn
Tình trạng các điểm nóng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông trong giờ cao điểm trên địa bàn TP.HCM vẫn thường xuyên diễn ra. Khi lực lượng tuần tra đến thì người dân thu dọn vào và lực lượng rút khỏi thì mọi chuyện trở lại như cũ. Vì ở TP.HCM vẫn chưa có những điểm quy hoạch cụ thể dành cho người buôn bán hàng rong nên theo tôi, để khắc phục tạm thời tình trạng trên, chính quyền địa phương phải cử lực lượng đến chốt chặn tại chỗ. Nhiệm vụ của những người chốt chặn là không cho những hộ đã có mặt bằng lấn chiếm vỉa hè; người buôn bán nhỏ không được đứng dưới lòng đường. Để làm được điều này, mỗi phường cần lập ra một tổ chuyên làm nhiệm vụ trên và phải có nguồn kinh phí để bồi dưỡng cho họ.
Lehai…@yahoo.com