Minh bạch giá đất: Lợi đủ đường

(PLO)- Các chuyên gia đồng tình và hiến kế để minh bạch giá đất, ngăn chặn thất thoát, lãng phí nguồn lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa:

Cần định giá đất về không gian

Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa
Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa

Theo tôi, định giá đất cần chia làm hai phần: Một là không gian phát triển, hai là giá đất. Ví dụ người dân được giao bao nhiêu đất thì giá đất tính theo giá thị trường. Khi phát triển theo chiều cao thì định giá đất theo giá trị không gian có hệ số không gian tương ứng theo tầng như 10 tầng, 20 tầng, 30 tầng sẽ có hệ số khác nhau.

Không chỉ tính toán không gian về chiều cao mà cả về số tầng hầm, tăng lên thì nhân hệ số lên, rất rõ ràng, minh bạch. Các phương pháp xác định giá đất hiện nay như so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư… dựa vào những yếu tố không cố định thì rất dễ xảy ra sai sót.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Công khai để khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Nghị quyết (NQ)18 đã định hướng những vấn đề rất sát với thực tế, quan trọng ở đây là câu chuyện sợ trách nhiệm, không dám làm. Như việc chậm xác định, thẩm định, quyết định giá đất đã tác động xấu đến thị trường, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội của nhà đầu tư.

Bỏ khung giá đất thực sự là cuộc cải cách lớn nhất mà NQ18 đưa ra. Tuy nhiên, để định giá đất sẽ rất khó nếu hội đồng thẩm định giá đất sợ sai, sợ trách nhiệm. Để khắc phục tâm lý này, cần có các quy định pháp lý chặt chẽ, thống nhất và cụ thể về phương pháp thẩm định, quy trình thẩm định giá đất.

Sau khi thẩm định phải công khai rộng rãi. Khi tất cả thông tin công khai sẽ không có việc sợ trách nhiệm.

Nhà nước cần nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Dự án hết “giậm chân”

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.

Khung giá đất thực tế thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, dẫn đến tình trạng các dự án giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương bị chậm tiến độ do người dân không đồng tình với giá đất được bồi thường khi giải phóng mặt bằng. Hay những khu nhà tập thể được xây dựng từ thập niên 1950-1960 đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể cải tạo vì câu chuyện giá bồi thường thấp.

NQ18 định hướng bỏ khung giá đất thì khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ dựa vào cơ chế thị trường để tính giá trị bồi thường đất, như thế sẽ phá bỏ được sự chênh lệch giữa giá trị thật và giá trị ảo, giúp công tác bồi thường thu hồi đất sẽ thuận lợi. Điều này giúp các dự án đẩy nhanh tiến độ, tác động tích cực đối với nền kinh tế...

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Ngăn lãng phí nguồn lực đất đai

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

NQ18 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nổi bật là thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ), đấu thầu dự án có SDĐ, hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ.

Từ NQ18 có thể thấy rằng chế định ĐGQSDĐ sẽ là nội dung trọng tâm trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10).

Định hướng trên của NQ18 hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ. Bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan đến ĐGQSDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ.

NQ18 đã đề ra những giải pháp ngăn chặn thất thoát, lãng phí đất đai với nội dung: Các tổ chức tôn giáo SDĐ vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích SDĐ, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất được sử dụng đa mục đích...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm