"Nạn" mổ đẻ ở Trung Quốc

"Nạn" mổ đẻ ở Trung Quốc ảnh 1
Một ca mổ đẻ tại Trung Quốc. Ảnh: nydailynews.com.

.Đề nghị của bác sĩ cũng như sự do dự sinh thường của nhiều sản phụ được xem là những yếu tố quan trọng khiến cho tỷ lệ sinh mổ ở Trung Quốc cao nhất từ trước tới nay, tạp chí China Economic Weekly nhận định.

Theo Chinadaily, sinh thường từ lâu vẫn được các bác sĩ xem là giải pháp lý tưởng nhất. Sinh mổ chỉ được tiến hành trong trường hợp em bé chui qua ngả âm đạo có thể khiến cả mẹ và bé gặp nguy hiểm về tính mạng.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy những ca mổ đẻ không vì lý do y học thường dễ có nguy cơ tử vong hoặc phải chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt, do rối loạn chảy máu hoặc gặp các biến chứng dẫn tới cắt tử cung.

Các nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy trẻ con sinh ra bằng cách mổ đẻ thường hay gặp các bệnh về đường hô hấp hơn.

Lý do các thai phụ chọn việc mổ đẻ không đơn giản. Nhiều người sợ đau khi sinh thường, số khác lại được bác sĩ "mời", vì bằng cách ấy bác sĩ mới có thêm thu nhập.

"Nếu tất cả các sản phụ đều chọn sinh thường, chúng tôi sẽ chết đói", bác sĩ Guo từ một bệnh viện thị trấn ở tỉnh Hà Nam cho biết.

Guo cho biết giá của một ca sinh thường khoảng 500 tệ (73 đôla) trong khi một ca sinh mổ là 1.000 tệ (146 đôla) ở bệnh viện nơi anh làm việc. Thu nhập của tất cả bác sĩ và y tá trong khoa anh đều tỷ lệ trực tiếp với tổng thu nhập của khoa này.

Mức giá trên cũng chênh nhau khá lớn ở các thành phố lớn, như ở Quảng Châu, chi phí cho sinh thường ở các bệnh viện top trên khoảng 3.000 tệ, và sinh mổ ít nhất 6.000 đến 7.000 tệ.

"Ngoài ra, sinh mổ cũng đồng nghĩa với việc sử dụng thuốc và trang thiết bị nhiều hơn, cũng có nghĩa là mang lại thu nhập cao hơn cho bệnh viện và đôi khi là 'thu nhập ngoài luồng' cho bác sĩ", bác sĩ Gao Ling, từ Bệnh viện chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em Bắc Kinh cho biết.

Một vài bác sĩ còn cho rằng giá cho ca sinh thường ở các bệnh viện công do chính phủ đề ra thường quá thấp, đến mức chúng không thể bù đắp nổi chi phí mà bệnh viện bỏ ra.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến bác sĩ chỉ định mổ đẻ là để tránh các vụ kiện cáo. Sinh thường mất nhiều thời gian hơn và bệnh viện phải huy động nhiều nhân lực hơn so với sinh mổ, đồng thời bác sĩ luôn phải canh chừng nhiều giờ liền để sẵn sàng đối phó với biến chứng.

Trong khi đó, một ca mổ đẻ thường chỉ mất một giờ, và bác sĩ dễ kiểm soát hơn, cũng có nghĩa là ít có khả năng xảy ra tai biến, và cũng ít bị kiện cáo hơn.

Với các bà bầu, nhiều người trong số họ từ chối chịu đau để sinh thường, và tin rằng cơ thể dễ phục hồi hơn sau khi được mổ đẻ.

"Một nửa số ca mổ đẻ được thực hiện theo yêu cầu của sản phụ", một bác sĩ giấu tên cho biết.

Ngoài ra, cũng có những phụ nữ chọn phẫu thuật để lấy ngày may mắn hoặc năm may mắn cho con.

Tính chung tại Trung Quốc, tỷ lệ sinh mổ từ thập kỷ 1950 đến 1970 chỉ là 5%, thì đến thập niên 1980 đã tăng vọt lên 30-40%, và xoay quanh khoảng 40-60% từ thập kỷ 1990.

Theo T. An ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm