Từ lâu trong TP chúng ta thường bắt gặp những bình trà đá có nắp đậy sạch sẽ với cái ca nhựa úp lên trên, để bên lề đường với dòng chữ “trà đá miễn phí” dành cho những người lao động nghèo mưu sinh dọc ngang TP.
Làm từ thiện không kể việc lớn nhỏ...
Trong mùa nắng nóng cháy da, đọc hàng chữ đơn giản đó, những người đang khát cháy bỏng cổ đã thấy mát lạnh rồi. Rồi có người nấu hàng trăm suất cơm chở vào bệnh viện cung cấp cho những bệnh nhân nghèo và người thân nuôi bệnh ở các bệnh viện. Nhất là ở BV Ung bướu, nơi bệnh nhân điều trị lâu dài, gần như thường trú. Có người mua lương thực thực phẩm như gạo, mì gói, nước tương, nước mắm... cả xà phòng giặt đồ đem vào tặng những thân nhân nuôi bệnh.
Ngoài chuyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo và thân nhân nuôi bệnh, còn biết bao nhiêu người gặp khó khăn trong cuộc sống cũng rất cần được giúp đỡ. Ở TP.HCM, chuỗi quán cơm xã hội do nhà báo Nam Đồng - nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCMsáng lập với sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm từ gần 10 năm nay đã giúp biết bao người khó khăn được ăn bữa cơm ngon, có cả trà đá, tráng miệng với giá chỉ 2.000 đồng. Tinh thần quán cơm xã hội 2.000 đồng vì người nghèo của nhà báo Nam Đồng có sức lan tỏa lớn, vẫn tiếp tục được nhân rộng ra. Tôi bồi hồi nhớ lại những quán cơm xã hội giá chỉ 2 đồng thời trước 1975 - có lẽ tương đương 2.000 bây giờ - đã giúp biết bao người nghèo khó, những sinh viên nghèo, trong đó có tôi có được bữa ăn trong những lúc khó khăn, cơ nhỡ, như một động lực giúp theo đuổi làm việc, học hành. Rồi mấy năm trước, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nhân một chuyến công tác về một vùng cao, thấy tình cảnh ăn uống thiếu thốn của các em học sinh dân tộc thiểu số, khi về ông đã phát động chiến dịch “Bữa cơm có thịt” kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà doanh nghiệp, những mạnh thường quân giúp các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa có được một bữa cơm có thịt. Chiến dịch vẫn còn tiếp tục.
... Chủ yếu làdo cái tâm
Có nhiều người làm từ thiện âm thầm, không khoa trương, làm theo khả năng và quyên góp được bao nhiêu làm bấy nhiêu. Xin đơn cử trường hợp các nhà văn, nhà thơ Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức và Lê Minh Quốc từ nhiều năm nay âm thầm tự bỏ tiền túi và quyên góp kinh phí, đi xe máy về các tỉnh xa tặng học bổng cho các cháu học sinh nghèo hiếu học. Các anh làm lai rai, âm thầm từ năm này qua năm khác mà chỉ số ít anh em trong giới biết.
Đáng chú ý ở Sài Gòn thời gian gần đây, một số bạn trẻ có sáng kiến lập một số xe bánh mì miễn phí đặt ở những vị trí có nhiều bà con lao động nghèo thường ngang qua. Xe bánh mì sạch sẽ, chất đầy bánh mì nóng hổi dành giúp những người khó khăn lỡ bước, mỗi người một ổ. Những xe bánh mì cứ vơi đi lại có người mang đến tặng bỏ thêm cho đầy. Có người nói đùa đó là những xe bánh mì Thạch Sanh! Rồi lại có người tự nguyện mang nước tương đến đó, ai cần sẽ được chan nước tương và bỏ vào bao hẳn hoi. Nhìn hình ảnh các cô gái trẻ tươi tắn đứng bên xe bánh mì làm công việc thiện nguyện, tự nhiên lòng mình dâng lên một niềm vui khó tả. Không phải những người trẻ hôm nay đều vô cảm. Tôi nghĩ những việc làm thiện nguyện này sẽ lan tỏa rất nhanh. Và đúng vậy. Hiện nay những xe bánh mì miễn phí đã có mặt ở Huế, Hà Nội... Và chắc chắn một ngày gần đây những xe bánh mì Thạch Sanh sẽ có mặt ở khắp các đô thị trên cả nước, cùng những mô hình từ thiện đáng quý khác sẽ xuất hiện khắp nơi của những tấm lòng vàng.