New Delhi bác tin cựu Thủ tướng Sri Lanka và gia đình trốn sang Ấn Độ

(PLO)-  Nơi ẩn náu của ông Mahinda Rajapaksa trở thành đề tài đồn đoán trên mạng xã hội Sri Lanka kể từ khi ông từ chức hôm 9-5 trước sức ép các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phái bộ ngoại giao Ấn Độ tại Sri Lanka ngày 10-5 đã bác bỏ đồn đoán trên mạng xã hội tại nước này rằng cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và các thành viên trong gia đình ông đã trốn sang Ấn Độ, một ngày sau khi tộc trưởng của gia đình Rajapaksa quyền lực từ chức thủ tướng giữa làn sóng biểu tình phản đối chính phủ.

Cựu Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: NDTV

Cựu Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: NDTV

“Cao ủy (Ấn Độ) gần đây đã nhận thấy tin đồn lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội rằng một số nhân vật chính trị và gia đình của họ đã trốn sang Ấn Độ. Đây là những báo cáo giả mạo và sai sự thật, không có mảy may sự thật hoặc thực chất nào. Cao ủy mạnh mẽ phủ nhận những báo cáo đó” – đài NDTV dẫn tuyên bố của phái bộ Ấn Độ cho biết.

Nơi ẩn náu của ông Mahinda Rajapaksa đã trở thành đề tài đồn đoán kể từ khi ông từ chức thủ tướng Sri Lanka hôm 9-5. Ông Mahinda đã rời khỏi văn phòng kiêm dinh thự chính thức của mình, có tên gọi là Temple Trees, ở thủ đô Colombo vào sáng 10-5.

Trong phản ứng đầu tiên về tình hình ở Sri Lanka, Ấn Độ hôm 10-5 nói rằng họ “hoàn toàn ủng hộ” nền dân chủ, sự ổn định và phục hồi kinh tế của quốc đảo này.

“Ấn Độ sẽ luôn hướng đến những lợi ích tốt nhất của người dân Sri Lanka được thể hiện thông qua các tiến trình dân chủ” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi tuyên bố tại New Delhi.

Trong khi đó, quan chức hàng không dân dụng hàng đầu của Sri Lanka hôm 10-5 khẳng định ông không liên quan đến “việc vận chuyển và di dời bất hợp pháp bất kỳ người nào hoặc những người khỏi Sri Lanka”.

Trong một tuyên bố, ông Themiya Abeywickrama, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không Dân dụng Sri Lanka, mô tả các bản tin trên mạng xã hội là “những cáo buộc sai sự thật”.

Ông Mahinda, năm nay 76 tuổi, từ chức thủ tướng trong bối cảnh nền kinh tế Sri Lanka lâm vào tình trạng bất ổn chưa từng có, vài giờ sau khi những người ủng hộ ông tấn công những người biểu tình chống chính phủ, khiến chính quyền áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và triển khai quân đội ở thủ đô.

Cuộc tấn công đã dẫn đến những hành động bạo lực lan rộng chống lại các chính trị gia thân với gia đình Rajapaksa.

Một nhóm người biểu tình tập trung xung quanh căn cứ hải quân ở thành phố cảng Trincomalee, miền đông Sri Lanka, cho rằng Mahinda đang ẩn náu ở đó.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi bắt giữ cựu Thủ tướng Mahinda với cáo buộc xúi giục một đám đông tấn công những người xuống đường kêu gọi gia đình Rajapaksa, bao gồm Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, từ chức.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và hơn 250 người bị thương trong các cuộc đụng độ vốn cũng khiến không ít tài sản của các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền bị thiêu rụi.

Tổng thống Gotabaya đã kêu gọi người dân ngừng “bạo lực và các hành động trả thù” chống lại đồng bào mình và cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập từ Anh vào năm 1948.

Cuộc khủng hoảng xảy ra một phần do tình trạng khan hiếm ngoại tệ, đồng nghĩa với việc nước này không đủ khả năng thanh toán cho việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu thiết yếu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng và giá cả rất cao.

Hàng ngàn người đã xuống đường ở Sri Lanka kể từ ngày 9-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm