Nghĩ về chiếc đai quyền Anh WBO của Thu Nhi

Trận đấu giữa nữ võ sĩ Việt Nam (VN) và nữ võ sĩ Nhật Bản diễn ra ở nhà thi đấu Wadong, TP Ansan của Hàn Quốc. Cũng cần biết là quyền Anh VN đã tiếp cận sân chơi chuyên nghiệp một cách âm thầm sau khi có thời gian các môn võ chuyên nghiệp bị cấm.

Việc những nhà lãnh đạo thể thao VN hồi đấy cấm cản bởi các môn võ chuyên nghiệp đối kháng không có mặt nạ bảo vệ dễ gây nguy hiểm, đồng thời bị xem là bạo lực. Vì thế, nhiều thập niên qua các môn võ đối kháng của VN chỉ chơi ở dạng nghiệp dư, trong đó có quyền Anh.

Chính sự lo xa của “cấp trên” đấy khiến quyền Anh VN vào trạng thái “lỡ tàu” và các võ sư tâm huyết không thể đầu tư để phát triển cho kịp với các quốc gia. Nhưng cuối cùng thì trước xu thế chung, thể thao VN nói chung và quyền Anh nói riêng cũng phải theo bước chân chuyên nghiệp hóa.

Nếu Philippines, Thái Lan đã tiếp cận từ lâu thì võ thuật VN đi sớm nhưng về muộn bởi rào cản không cho chơi chuyên nghiệp đấy. Những nhà thể thao VN tâm huyết, đặc biệt là dân quyền Anh VN, tiếc nuối bởi khoảng trống xa vời khiến sự trở lại không chỉ lấp ló mà có lúc thấy hụt hẫng vì yếu tố thời gian do đóng cửa chơi nghiệp dư.

Tố chất người VN chơi các môn võ đối kháng rất tốt, nhất là những môn này thi đấu theo hạng cân nên không bị thua thiệt về yếu tố thể hình.

Nếu với bóng đá hay những môn đối kháng khác, vận động viên VN thường gặp khó bởi yếu tố thể hình và thể trạng thì trong võ thuật, các võ sĩ VN lại không hề ngại ngùng khi chạm trán bất kỳ võ sĩ nào trên thế giới bởi có sự phân loại trọng lượng thi đấu qua hạng cân...

Ngắn đòn hơn nhưng Thu Nhi đã biết tận dụng sự nhanh nhẹn và thời điểm ra đòn để thắng điểm cựu vô địch Tada. Ảnh: GETTY IMAGES  

Hãy nhìn những tấm huy chương quyền Anh Olympic Tokyo vừa qua của Philipines, hầu hết đến từ võ thuật. Với thể hình người Đông Nam Á, chúng ta có thể tự tin đầu tư các hạng cân nhẹ để chuyên sâu và có thể tiếp cận huy chương Olympic. Đấy cũng là điều mà thể thao VN năm 2000 đã đầu tư nhiều vào Taekwondo và kết quả là có được chiếc HCB lịch sử của Trần Hiếu Ngân.

Chiều 23-10, võ sĩ quyền Anh Thu Nhi của VN đã đánh bại Tada của Nhật để sở hữu chiếc đai chuyên nghiệp WBO lần đầu tiên trong lịch sử đã nói lên tất cả. Chiếc đai đấy cũng mở ra một tầm nhìn mới mà thời “cấm cản” môn võ nói chung và quyền Anh nói riêng đã đánh mất rất nhiều cơ hội.

Các võ sĩ VN nếu được đào tạo chuyên nghiệp bài bản, được tạo điều kiện tham gia các giải mạnh đều có thể làm nên chuyện ở sân chơi võ thuật chuyên nghiệp thế giới. Khi mà tố chất, sức chịu đựng lẫn sức mạnh cơ bắp và tinh thần của võ sĩ VN hoàn toàn có thể thích hợp để chơi các môn võ đối kháng.

Xu hướng thể thao nghiệp dư ngày nay đã tiếp cận chuyên nghiệp. Ranh giới các cuộc tranh tài của các môn thể thao Olympic, đại hội thể thao (vốn nguyên bản dành cho thể thao nghiệp dư) với chuyên nghiệp đã dần bị nhạt nhòa và xóa đi rồi.

Đã muộn nhưng qua đai vô địch thế giới của Thu Nhi lại thắp lên cho quyền Anh chuyên nghiệp một hướng đi của người xuất phát chậm.

Thu Nhi lấy đai vô địch của võ sĩ Nhật Bản như thế nào?

Nữ võ sĩ Thu Nhi 25 tuổi, người An Giang, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ cơ cực, khó khăn đã rèn giũa sức mạnh tinh thần, sự chịu đựng và vượt khó để đến với quyền Anh.

Trận thắng Tada chiều 23-10 là trận thắng thứ năm liên tiếp trong sự nghiệp của Nhi. Bại tướng của Thu Nhi là Etsuko Tada, 40 tuổi, bị mất đai WBO về tay Nhi sau trận thua điểm số 94-96. Đáng nói là Tada từng thượng đài 27 trận chuyên nghiệp.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm