LTS: Đạo văn, đạo thơ, cướp ý tưởng không phải chuyện mới và từ lâu vẫn luôn là một vấn nạn khó kiểm soát. Sau nghi án đạo thơ mới đây giữa Phan Huyền Như và P.N Thường Đoan, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu những trường hợp “vay mượn ý tưởng” từng gây xôn xao trên thế giới.
Năm 2006, Kaavya Viswanathan, một sinh viên mới học năm 2 của ĐH Harvard, đã trở thành một hiện tượng trẻ trong giới văn học Mỹ. NXB Little, Brown khi ấy đã mua quyền in và phát hành quyển tiểu thuyết How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, and Got a Life với giá trị hợp đồng được đồn đoán là lên đến gần 1 triệu USD.
Làm nên tên tuổi nhờ đạo văn
Quyển sách của Viswanathan trong một thời gian ngắn đã leo lên bậc 32 trong danh sách tác phẩm bán chạy nhất năm do tờ The New York Times thống kê. Những người làm việc trong ngành điện ảnh thậm chí còn loan tin rằng tác phẩm của Viswanathan đang chuẩn bị được hãng DreamWorks đình đám chuyển thể sang phim và chỉ còn chờ bấm máy.
Cô sinh viên Trường Harvard nổi lên như một “ngôi sao lạ” và được đánh giá sẽ sớm dẫn đầu dòng văn dành cho phụ nữ trẻ tuổi tại Mỹ. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, cô sinh viên gốc Ấn Độ đã phải đối mặt với các cáo buộc rằng nhiều phần trong quyển sách của cô được sao chép gần như nguyên vẹn từ hai tác phẩm khác của nhà văn Megan McCafferty, xuất bản từ năm năm trước. NXB Little, Brown cuối cùng đã quyết định thu hồi toàn bộ sách đã được xuất bản của Viswanathan và hủy hợp đồng xuất bản với cô.
So sánh điểm giống nhau đến “kỳ lạ” của hai thiết kế logo Olympic Tokyo 2020 và của nhà hát Liege tại Bỉ. Ảnh: JAPAN TRENDS
Viết báo bằng trí tưởng tượng
Quay lại quá khứ, từng xảy ra một vụ đạo văn đình đám trong làng báo chí thế giới. Vào tháng 5-2003, độ uy tín của tờ báo danh giá Mỹ là tờ The New York Times lại bị đưa lên bàn cân sau vụ bê bối đạo văn của một phóng viên tên Jayson Blair. Khi đó mới 27 tuổi, Blair đang là “ngôi sao sáng” của tờ báo này. Thế nhưng hàng trăm bài viết của cây bút này đã bị phát hiện là sản phẩm bịa đặt và đạo văn. Thông tin này được đăng trên trang nhất của bản báo. Thời điểm đó tờ The New York Times nhận định vụ Jayson Blair được đánh giá là đã “đem tới New York Times nỗi hổ thẹn chưa từng có trong suốt 152 năm lịch sử” hoạt động của tờ báo. Jayson Blair bị sa thải ngay sau đó.
Theo New York Times, phóng viên Blair đã lấy cắp thông tin trên tờ San Antonio News Express rồi “xào bài” và bịa ra rằng mình đã có mặt tại hiện trường. Ngay sau đó, một cuộc điều tra đã được triển khai. Người ta đã rà soát từng tin, bài trong số 673 bài viết mà phóng viên này viết cho báo trong bốn năm và nhận thấy Blair thường xuyên nói dối việc mình có mặt tại hiện trường, sau đó bịa đặt thông tin từ những nguồn giấu tên, “thêm mắm dặm muối” vào những bài viết có sẵn trên nhiều lĩnh vực để biến thành của mình.
“Công cụ che mắt thiên hạ của anh ta là một chiếc điện thoại di động và laptop. Hai vật dụng này cho phép Blair tung hỏa mù về việc anh ta đang ở đâu, tạo điều kiện cho việc tiếp cận các cơ sở dữ liệu và những bài báo mà anh ta có ý định đánh cắp” - New York Times lý giải về khả năng “bao sân” khó tin của anh ta trong quá khứ. Blair thường xem xét các bức ảnh rồi tô vẽ thêm cho bài viết của mình, cứ như thể đang ở hiện trường vậy mặc dù thực tế thì anh ta yên vị ở văn phòng.
Điều đáng nói là Jayson Blair không phải là cây bút duy nhất trong làng báo Mỹ trở nên đình đám rồi thất bại trong tai tiếng ê chề vì đạo văn. Cùng trong danh sách “nổi cộm” này còn có những cây bút từ nhiều tờ báo lớn khác của Mỹ như Jonah Lehner của tờ The New Yorker hay Mike Barnicle của tờ The Boston Globe. Những nhà báo đạo văn này cũng chịu chung số phận là bị đuổi việc hoặc buộc phải nộp đơn xin nghỉ việc, sau đó phải lận đận đi tìm công việc tại những tờ báo nhỏ hơn.
Phóng viên Jayson Blair bị sa thải khỏi tờ báo New York Times (Mỹ) sau khi bị phát hiện hành vi đạo văn, xào bài, tạo bằng chứng giả có mặt tại hiện trường. Ảnh: NBC Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã phải rút khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1988 vì cáo buộc đạo văn. Ảnh: POLITICO
Theo Tân Hoa xã, ngay sau khi Ủy ban Thế vận hội Tokyo công bố biểu tượng (logo) của Olympic 2020 hôm 24-7, nhà thiết kế đồ họa và logo Bỉ - ông Olivier Debie tố Nhật Bản đã ăn cắp mẫu thiết kế của ông và dọa sẽ đâm đơn kiện. Theo đó, biểu tượng của sự kiện thể thao này có nhiều điểm trùng với biểu tượng của nhà hát Bỉ mang tên Liege do chính ông Dabie thiết kế năm 2011 và được công bố năm 2013. Hai biểu tượng đều có một hình chữ nhật đứng ở chính giữa và hai tam giác khuyết được đặt đối xứng hai đầu. Với thiết kế biểu tượng Thế vận hội 2020 thì đây là hình ảnh chữ T, đại diện cho khẩu hiệu “Tokyo Team Tomorrow”, còn đối với thiết kế của ông Olivier Debie thì đây là chữ T và L, đại diện cho Liege Theatre (Nhà hát Liege).
Về màu sắc, biểu tượng của Thế vận hội 2020 chỉ có năm màu đỏ, đen, vàng kim và xám trên nền trắng, còn biểu tượng của Nhà hát Liege có hai màu trắng trên nền đen. “Trước đó tôi không hề nghi ngờ gì về thiết kế này và tôi chắc chắn đã không tham khảo biểu tượng kia khi tôi thiết kế biểu tượng này” - nhà thiết kế người Nhật Kenjiro Sano, tác giả của biểu tượng Olympic 2020, nói.
Nhà thiết kế Olivier Debie đã thuê luật sư và cho biết họ sẽ liên lạc với Ủy ban Thế vận hội Quốc tế và của Tokyo để xác minh về nghi án đạo ý tưởng này, theo Tân Hoa xã. Nếu nhà chức trách không có phản ứng gì, các luật sư cam kết sẽ kiện ra tòa. Bên cạnh đó, nhà thiết kế Olivier Debie bày tỏ mong muốn Ủy ban Thế vận hội sẽ hủy bỏ biểu tượng Olympic Tokyo 2020 và kèm với đó là một khoản tiền bồi thường.
Theo The Guardian, tác giả của các logo trên - ông Kenjiro Sano sau khi bị chất vấn đã thừa nhận có sử dụng các “tư liệu trực tuyến”. Điều này là không được phép và ban tổ chức đã buộc phải hủy bỏ logo. Hiện phía Nhật đang tìm kiếm mẫu thiết kế mới cho logo của Thế vận hội 2020.
Chính trị gia cũng mượn văn người Theo trang Politico, Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng từng phải rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1988 vì cáo buộc đạo văn. Nhiều phần trong các bài diễn văn của ông trong chiến dịch tranh cử bị tờ The New York Times phát hiện mượn văn của các chính trị gia nổi tiếng trong quá khứ như Robert Kenedy, Tổng thống Mỹ John F. Kenedy và Hubert Humphrey. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg cũng đã phải từ chức và rút khỏi chính trường vì hành vi đạo văn khi thực hiện luận án tiến sĩ của mình. Thiên về kỷ luật nội bộ Theo từ điển thuật ngữ Black’s Law (Mỹ), đạo văn (plagiarism) là hành vi “trình bày ý tưởng, sự sáng tạo của người khác như là ý tưởng, sự sáng tạo của chính mình một cách có chủ ý và ý thức”. Như vậy theo định nghĩa trên, đạo văn không chỉ là sao chép, ăn cắp một hay một phần tác phẩm được viết ra trên giấy mà còn là một hay một phần tài sản sở hữu trí tuệ của người khác dù tài sản đó ở bất kỳ dạng thức nào. Trên thực tế, hành vi đạo văn thường bị xử lý trên khía cạnh vi phạm đạo đức, kỷ luật hơn là ở khía cạnh vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, ở các trường học, các công ty, cơ quan, tổ chức tại Mỹ hay những quốc gia phát triển, đạo văn là một hành vi hết sức nghiêm trọng, thậm chí là tối kỵ. Nếu bị phát hiện, người đạo văn phải chịu các biện pháp kỷ luật từ mức độ nhẹ như cảnh cáo cho đến những biện pháp nặng hơn như cách chức, đuổi việc. Tuy nhiên, đa phần đều là hình thức xử lý mang tính nội bộ. TUỆ MINH |