Thượng nghị sĩ Monica Eva Copa đã được bầu làm lãnh đạo đảng Phong trào Xã hội chủ nghĩa (MAS) trong tuần trước. Cựu lãnh đạo Bolivia Morales khẳng định Thượng nghị sĩ 32 tuổi này nên trở thành nguyên thủ quốc gia, thay vì bà Jeanine Anez - người đã tuyên bố là Tổng thống lâm thời của Bolivia.
“Bà Anez không có quyền lập hiến để có chỗ trong văn phòng tổng thống”, ông Morales nói với hãng tin Bloomberg. “Người dân không công nhận bà ấy và đó là lý do tại sao có rất nhiều cuộc biểu tình tại Bolivia”.
Theo ông Morales, tân lãnh đạo đảng MAS, Monica Eva Copa, xứng đáng cho chiếc ghế tổng thống Bolivia. Ảnh: RT
Trong khi đó, tại Bolivia, Chính phủ của Tổng thống lâm thời Jeanine Anez (hiện được Mỹ và Brazil công nhận) cũng đang nỗ lực để mở cuộc đối thoại với các đối thủ, đặc biệt là sau vụ chín người ủng hộ ông Morales bị bắn chết trong cuộc đối đầu với các lực lượng an ninh tại TP Sacaba hồi 15-11 qua.
Theo hãng tin AP, các lãnh đạo nhà thờ Bolivian hôm 18-11 nói rằng đã bắt đầu các cuộc đàm phán dưới sự tham dự của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Jean Arnault. Theo đó, họ kêu gọi Đảng MAS tham gia thảo luận về cuộc bầu cử và lập ra Hội đồng bầu cử mới.
Ngoài ra, lãnh đạo chính phủ lâm thời cũng đang phải chật vật để tiếp tế lương thực, nhiên liệu cho thủ đô La Paz vì những người biểu tình ủng hộ ông Morales phong tỏa hầu hết các tuyến đường vận chuyến.
Những người biểu tình, đa phần là người trồng coca, tiếp tục xuống đường ủng hộ ông Morales ngày 18-11. Ảnh: AP
Tân bộ trưởng khí đốt nước này Victor Hugo Zamora cho biết một đoàn xe cung cấp xăng dầu đang gặp khó khăn khi không thể đến La Paz do khắp mọi tuyến đường bị người biểu tình đào hào sâu phong tỏa.
Người biểu tình phong tỏa ngoại ô thủ đô La Paz gây nên tình trạng thiếu xăng dầu và thực phẩm. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, bên trong thủ đô La Paz, hầu hết các cửa hàng đều bị đóng cửa và nếu mở cửa thì giá hàng hóa bị đẩy lên cao gấp đôi.
“Chúng tôi không biết lấy gì để nuôi gia đình nếu mọi việc cứ tiếp tục thế này” - một người dân tên Guillermina Chura cho biết. Người này cũng nói rằng cựu Tổng thống Morales nên có những bước đi phù hợp để xoa dịu tình hình trong nước.
Một cửa hàng thịt tại thủ đô La Paz. Hầu hết cửa hàng đều đóng cửa, nếu có mở cửa thì giá cả cũng rất cao. Ảnh: AP
Còn tại TP Santa Cruz, việc chặn đường cũng đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại. Các nhà sản xuất nói rằng trái cây và rau quả của họ đang thối rữa trên xe tải vì không thể đưa ra chợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 23 người chết trong các vụ bạo lực nổ ra sau các cuộc bầu cử tại Bolivia hồi tháng 10 qua, theo AP.