Ngày 26-7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở ra một mặt trận mới nhằm cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu bằng cách yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cập nhật lại định nghĩa “quốc gia đang phát triển” và xóa bỏ những ưu đãi mà những nước được xếp vào nhóm này đang hưởng. Một trong những quốc gia như thế là Trung Quốc, đối thủ thương mại chính của Mỹ.
Mỹ tuyên bố nếu sự thay đổi này không diễn ra, nước này sẵn sàng đơn phương hành động. Điều đó có nghĩa là dù được xếp hạng “nước đang phát triển” bởi WTO, một nước vẫn có thể không được Mỹ chấp nhận nếu họ tin rằng nước đó không còn đáp ứng những điều kiện để được đối xử đặc biệt.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết các nước đang phát triển được hưởng một số lợi ích như “được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong khung thời gian dài hơn, thời gian chuyển đổi dư dả, các mức cắt giảm thuế dễ chịu hơn, lợi thế về thủ tục khi có tranh chấp thuộc WTO và khả năng tận dụng các khoản trợ cấp xuất khẩu nhất định - tất cả những lợi ích này đều gây tổn thất cho các thành viên WTO khác”.
Trong bản ghi nhớ, tổng thống Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer “sử dụng tất cả các công cụ sẵn có” để thay đổi các quy định liên quan đến việc xếp các quốc gia vào nhóm “nước đang phát triển” của WTO, trong bối cảnh khi mà các số liệu kinh tế không hợp lý đối với việc được đối xử đặc biệt của các các quốc gia này.
“WTO đang rất cần được cải cách”, bản ghi nhớ nói, đồng thời trích dẫn những định nghĩa có từ thời thành lập WTO là năm 1995 và đã không tính đến những thay đổi lớn về tình trạng kinh tế đối với các quốc gia như Trung Quốc. Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai và quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
“Có một số nước đáp ứng đúng chuẩn nước đang phát triển, còn nhiều nước khác rõ ràng là không phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại của họ”, bản ghi nhớ nói, đồng thời chỉ ra hai phần ba các quốc gia thành viên của WTO đang tuyên bố mình là “nước đang phát triển”. Bản ghi nhớ chỉ ra Trung Quốc là ví dụ điển hình cho tình trạng này
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: WTO.
Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn chiến tranh thương mại, và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nền kinh tế.
Thật vậy, vào ngày 26-7, Mỹ đã báo cáo mức tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống còn 2,1% trong quý hai. Đây là một mức giảm mạnh so với mức 3,1% được ghi nhận trong quý đầu tiên.
Khi gia nhập WTO vào năm 2001, tình trạng của Trung Quốc rõ ràng đúng với mức độ của nước đang phát triển, Steven Englander, trưởng phòng nghiên cứu toàn cầu G10 FX của ngân hàng Standard Chartered ở New York cho biết.
Dù đồng cảm với quan điểm của Mỹ về tình trạng của một quốc gia đang phát triển, ông vẫn cảnh báo rằng nếu chỉ bằng cách thay đổi định nghĩa của WTO, chính quyền Trump có thể không nhận được kết quả cần thiết trong việc giảm bớt sự mất cân bằng thương mại của Mỹ
“Dù WTO làm theo những gì Mỹ muốn, họ sẽ sớm thấy rằng mức độ thâm hụt thương mại thay đổi rất ít”, ông nói. Cụ thể, các quốc gia đang phát triển có mức thặng dư thương mại với Mỹ vẫn nhỏ hơn so với các quốc gia kém phát triển.
Ngày 26-7, sau khi bản ghi nhớ được ban hành, ông Trump đã viết trên tweet: “WTO đã HỎNG khi mà các nước GIÀU NHẤT thế giới lại nói mình là nước đang phát triển để tránh các quy tắc của WTO và được đối xử đặc biệt.”
Bản ghi nhớ trích dẫn các nền kinh tế giàu có nhưng vẫn giữ tình trạng của nước đang phát triển, như Brunei, Hong Kong, Kuwait, Macau, Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của cả G20 (20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - cũng tuyên bố tình trạng nước đang phát triển.
Lighthizer được yêu cầu báo cáo lại cho tổng thống Trump trong vòng 60 ngày. Nếu sau 90 ngày vẫn không có thay đổi gì đáng kể, Mỹ sẽ tự giải quyết theo cách riêng của họ và không chấp nhận những quốc gia mà Mỹ cho là đang lợi dụng tình trạng “nước đang phát triển”.
Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đến Thượng Hải vào ngày 30-7 để bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ. Phía Trung Quốc sẽ được đại diện bởi Phó Thủ tướng Lưu Hạc.