Phân biệt nhồi máu cơ tim cấp và nhồi máu cơ tim lần đầu

(PLO)- Nhồi máu cơ tim cấp để chỉ bệnh nhân mới nhồi máu cơ tim gần đây, còn nhồi máu cơ tim lần đầu, lần 2… là chỉ bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhiều lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xin bác sĩ cho biết bệnh nhồi máu cơ tim cấp và nhồi máu cơ tim lần đầu có khác nhau không ạ? (Nguyễn Thị Hồng, 45 tuổi, ngụ Đồng Nai).

Trả lời

Nhồi máu cơ tim “cấp” - chữ “cấp” dùng để chỉ bệnh nhân mới nhồi máu cơ tim gần đây, trong vòng 8 tuần (có thể là ngày đầu tiên, ngày thứ 2, thứ 3 hay tuần đầu tiên… ).

Các tuần sau đó người ta hay gọi là “bán cấp”. Như vậy chữ “cấp” hay “bán cấp” là để chỉ giai đoạn của nhồi máu cơ tim.

Sau tuần thứ 8, đã cũ rồi, người ta hay gọi là “mạn” (hoặc nhồi máu cơ tim trước đây - gần đây). Tùy theo mỗi nghiên cứu, người ta đo bằng 8 hoặc 12 tuần.

Còn gọi tên số lần nhồi máu cơ tim (lần đầu, lần 2, lần 3) là vì một bệnh nhân có thể nhồi máu cơ tim nhiều lần. Trong một lần thì có giai đoạn cấp, bán cấp, giai đoạn mạn tính (giai đoạn cũ - đã ổn định).

Nhồi máu cơ tim cấp có thể đưa đến nhiều biến chứng như vỡ thành tim, hở van tim do đứt dây chằng, phình vách tim, rối loạn nhịp, tử vong.

Vì vậy bệnh nhân cần được kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ngưng hút thuốc lá, giảm cân. Ngoài ra nên thực hiện lối sống khỏe mạnh như giảm mặn trong chế độ ăn, ăn nhiều rau và chất xơ, giảm béo, hoạt động thể lực phù hợp và đều đặn, đời sống tinh thần cân bằng, tránh căng thẳng.

Đối với những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim, cần tuân thủ điều trị, không bỏ thuốc, thực hiện lối sống khỏe mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

ThS-BS chuyên khoa 2 Võ Anh Minh, Trung tâm Tim mạch, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm