Pháo tự hành 2S19 Msta-S, chủ lực trong cuộc chiến pháo binh của Nga với Ukraine mạnh cỡ nào?

(PLO)- Pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tấn công các vị trí của Ukraine bằng pháo binh hiện nay nhằm mở đường cho sự tiến quân của lực lượng mặt đất của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Được phát triển trong những năm 1980, 2S19 Msta-S là một trong những hệ thống pháo được sử dụng nhiều nhất trong kho vũ khí của Nga. Được thiết kế như một lựu pháo tự hành, 2S19 Msta-S được đặt theo tên của con sông Msta ở tây bắc nước Nga. Bất chấp tuổi đời, pháo Msta vẫn được sử dụng nhiều trong Các lực lượng vũ trang Nga và cho đến nay đã được sử dụng đáng kể trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, theo trang 19fortyfive.

Khả năng của pháo 2S19 Msta-S

Hỏa lực chính của pháo tự hành 2S19 Msta-S là khẩu pháo 2A64 152 mm được đặt trên khung gầm có bánh xích vốn có chung nhiều thành phần của xe tăng T-72 và T-80 của Nga.

Pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA

Pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA

Kíp vận hành pháo 2S19 Msta-S gồm 5 người. 2S19 Msta có khả năng duy trì tốc độ bắn 2 phát mỗi phút hoặc tốc độ bắn liên tục 8 phát mỗi phút.

2S19 Msta sử dụng động cơ diesel V84-A, nhờ đó có thể đạt được tốc độ lên tới 60 km/giờ trên đường bộ và 25 km/giờ trên địa hình hiểm trở. Quá trình nạp đạn của pháo tự hành 2S19 Msta-S được tự động hóa cao.

Theo các nguồn tin của Nga, việc phát triển pháo 2S19 Msta-S bắt đầu vào đầu những năm 1980 nhằm thay thế pháo tự hành 2S3 Akatsiya. 2S19 Msta-S sau đó chính thức được đưa vào hoạt động năm 1989.

2S19 Msta-S được trang bị bộ nạp đạn bán tự động và thiết bị khử khói.

Msta-S có tầm bắn tối đa 24,7 km nếu sử dụng đạn nổ mạnh phân mảnh HE-FRAG. Giới chuyên gia quân sự nhấn mạnh tầm bắn có thể xa hơn lên tới 28,9 km nếu kết hợp loại đạn pháo tăng tầm kiểu phản lực.

Trong quá trình phát triển 2S19 Msta-S, các nhà thiết kế của Liên Xô đặc biệt đã muốn phát triển một lựu pháo có tầm bắn cải tiến đáng kể vì các hệ thống tương tự lúc đó của phương Tây đang được phát triển vượt xa các loại pháo hiện có của Liên Xô.

Một khả năng khá mới lạ khác mà Msta có là có thể bắn đạn pháo dẫn đường cỡ nòng 152 mm như đạn pháo Krasnopol, giúp tăng đáng kể độ chính xác.

Uraltransmash, nhà sản xuất pháo 2S19 Msta-S, đã phát triển và hiện sản xuất phiên bản 2S19M2 Msta-S, với nhiều nâng cấp về độ tin cậy, hiệu suất và tốc độ bắn.

Pháo 2S19 Msta đóng vai trò quan trọng với Nga tại Ukraine

Hiện nay, pháo tự hành 2S19 Msta-S được đưa vào hoạt động ở Nga, Azerbaijan, Belarus, Ethiopia, Georgia, Ukraine và Venezuela. Theo trang Military-Today.com, đến năm 2020, Lục quân Nga vận hành khoảng 470 hệ thống pháo loại này cộng với 270 pháo được cất trong kho. Msta-S đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột quân sự.

Pháo 2S19 Msta-S được triển khai trong nhiều cuộc xung đột quân sự. Ảnh: Military-Today.com

Pháo 2S19 Msta-S được triển khai trong nhiều cuộc xung đột quân sự. Ảnh: Military-Today.com

Pháo 2S19 Msta-S mà Nga triển khai tại Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược tấn công các vị trí của Ukraine bằng pháo binh hiện nay của lực lượng Nga nhằm mở đường cho sự tiến quân của lực lượng mặt đất.

Theo tạp chí Newsweek, hồi đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy binh sĩ nước này tiến hành một hoạt động quân sự đặc biệt với pháo tự hành Msta có thể gây thiệt hại tối đa với các vị trí kiên cố của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết binh sĩ đã sử dụng pháo tự hành 2S19 Msta 152 mm để bắn phá các mục tiêu của Ukraine.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, lựu pháo 2S19 Msta có thể tung đòn mạnh mẽ và tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 30 km mà không cần chuẩn bị sơ bộ trước khi bố trí chúng vào vị trí khai hỏa.

“Video cho thấy hoạt động chiến đấu của kíp vận hành lựu pháo tự hành Msta-S 152 mm khi thực hiện các hoạt động khai hỏa để tiêu diệt xe bọc thép và các vị trí kiên cố của lực lượng Ukraine” – Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

“Đạn nổ mạnh được sử dụng để phá hủy các công sự, gây thiệt hại tối đa cho đối phương, kể cả công sự bằng bê tông” – Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trước cuộc tấn công Ukraine lần này, Nga đã sử dụng lựu pháo Msta trong cuộc xung đột Chechen, trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria và xung đột miền Đông Ukraine năm 2014.

Hiện có rất ít thông tin về việc lực lượng Ukraine sử dụng pháo 2S19 Msta-S trong cuộc xung đột với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm