30 năm bị oan và lời xin lỗi muộn còn hơn không

Chuyện xảy ra vào đầu năm 1988 ở phường Tân Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng nghe đắng nghét. Vì bị nghi oan là có dính líu đến một vụ án mạng mà ba mẹ con bà Nguyễn Thị May (năm nay đã 83 tuổi) cùng bị khởi tố tội giết người, cùng bị tạm giam oan từ hai đến 10 tháng.

Nói oan là do sau gần một năm điều tra không có kết quả nhưng thời hạn điều tra đã hết nên Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) tỉnh Cao Bằng (nay là VKSQS Quân khu 1) đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Rồi một năm sau nữa, chính xác là vào đầu tháng 3-1991 (gần hai năm tính từ lúc khởi tố bị can), VKSQS Quân khu 1 đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do là không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Điều đáng nói là những thông tin quan trọng liên quan tới thân phận pháp lý của ba công dân như thế đã không đến được đúng lúc với họ. Có thể là thời điểm trước đây văn bản hành chính còn sơ sài nên quyết định đình chỉ điều tra bị can không có phần “nơi nhận”. Tuy điều 2 của quyết định này có ghi là giao cho ba người (một bản/người) nhưng đã không có bằng chứng nào thể hiện VKSQS Quân khu 1 đã thực sự giao quyết định đó cho họ.

Để rồi vì không nhận được bất cứ giấy tờ nào của các cơ quan tố tụng có thẩm quyền xác định bản thân cùng hai con không phạm tội, người mẹ đã phải ròng rã gửi đơn kêu oan đến khắp nơi. Và phải mãi đến năm 2020 (gần 30 năm tính từ khi có quyết định đình chỉ điều tra bị can) thì VKSQS Quân khu 1 mới có hai văn bản trả lời chi tiết để gia đình giờ mới vỡ lẽ các thứ nêu trên.

Điều đáng nói hơn là trong hai văn bản đó, VKSQS Quân khu 1 đã viện dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017 để từ chối giải quyết việc bồi thường các thiệt hại do thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết.

Cụ Nguyễn Thị May đã 30 năm đi kêu oan cho mình và hai con. Ảnh: TUYẾN PHAN

 Đúng là Luật TNBTCNN có đề ra những nguyên tắc bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự (như về thời hiệu yêu cầu bồi thường, căn cứ quy kết trách nhiệm bồi thường…) mà người bị thiệt hại và các cơ quan có nhiệm vụ giải quyết bồi thường phải tuân thủ.

Thế nhưng vụ án oan từ năm 1991 này có những khúc mắc từ các thiếu sót, khiếm khuyết như đã nêu của chính các cơ quan tố tụng trong việc soạn thảo, ban hành, chuyển giao văn bản tố tụng. Liệu có ổn thỏa không khi giờ dùng luật hiện hành để bắt bí người bị oan để không xin lỗi, bồi thường?

Biết rằng VKSQS Quân khu 1 có cái khó về pháp lý để dẫu muốn bù đắp thiệt hại cho gia đình bị oan thì cũng không có đủ căn cứ thực hiện, nhất là những phần bồi thường tiền nong lấy từ ngân sách. Vậy không thể giải quyết đủ thì vẫn có thể giải quyết một phần cho phải lẽ ở đời, được không? Đó là tổ chức phục hồi danh dự cho ba con người bị hàm oan thông qua việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú của họ… để cả ba được đường hoàng gột sạch tiếng oan.

Hãy tin là VKSQS Quân khu 1 biết cách xử sự phù hợp để không gây thêm tổn thương cho người bị oan, có lợi cho hình ảnh của chính viện, quan trọng hơn là không trái với tinh thần tiến bộ của Luật TNBTCNN ở chỗ có lỗi thì phải chủ động xin lỗi, tuy muộn còn hơn không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm