Người đập trụ ATM ở Bình Dương khó thoát trách nhiệm hình sự

Ngày 11-12, lực lượng công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) vẫn đang điều tra vụ máy rút tiền bị đập phá.

Thông tin ban đầu, vào tối 10-12, một người đàn ông tới trụ ATM trên đường  ĐT 741, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát để rút tiền. Qua năm lần rút, tiền trong thẻ bị trừ hết 11 triệu nhưng thực tế ông chỉ nhận được 5 triệu đồng.

Về nhà, người vợ hỏi về sự việc này, ông kể lại và nói đã gọi điện cho tổng đài của ngân hàng để khiếu nại. Phía ngân hàng trả lời sẽ giải quyết trong 45 ngày.

Tuy nhiên do vừa đi nhậu về, ông bực tức nên đã lấy một cây búa đi đến trụ ATM nói trên đập phá máy ATM. Theo ghi nhận, chiếc máy bị nát màn hình, hư hỏng rất nặng.

Hành vi của người đập phá máy ATM có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Hiện trường vụ đập phá máy ATM. Ảnh LÊ ÁNH

Trao đổi với PLO, luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay trụ ATM là nơi liên quan đến an ninh cao độ do chứa số tiền lớn. Dù rằng "cái máy có lỗi" do trục trặc máy móc hoặc quy trình điện toán chưa cập nhật kịp, thì cũng không được bức xúc mà dẫn tới hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự trị an như thế.  

Do vậy, khả năng rất cao là người đập phá trụ ATM này sẽ bị khởi tố về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178 BLHS 2015.

Theo đó,  người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Các trường hợp được liệt kê là: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;tài sản là di vật, cổ vật…

“Tôi cho rằng người đập phá trụ ATM đã có hành gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 178 BLHS” – luật sư Dũng nói.

Chiếc búa người đàn ông dùng để phá máy ATM. Ảnh: CACC

Đồng quan điểm lên án hành vi đập phá trụ ATM, luật sư Nguyễn Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, nói thêm rằng việc khởi tố theo khoản nào của Điều 178 còn tùy thuộc vào việc định giá tài sản hay động cơ hủy hoại. Nếu tài sản bị hủy hoại giá trị lớn thì có thể khởi tố ở khoản có khung hình phạt cao hơn.

 “Trong trường hợp này, phía ngân hàng là bị hại. Tuy nhiên, ngay cả việc ngân hàng không tố cáo thì công an vẫn căn cứ mức độ, hành vi, thiệt hại… để có những bước tố tụng bình thường” – ông nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm