Tặng con gái tài sản để trốn trả nợ

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm, bác kháng cáo của cha con ông LĐC và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Lập chiêu trốn nghĩa vụ trả nợ

Theo hồ sơ, năm 2015 vợ ông C. nợ tiền của bà M. và bà T. từ việc chơi hụi. Vợ ông có thế chấp sổ hồng cấp năm 2004 đứng tên hộ ông C.

Đến hạn trả nợ, vợ ông C. không trả tiền nên bị kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông C. với tư cách người liên quan có yêu cầu chủ nợ trả sổ hồng. Đồng thời, ông làm đơn cớ mất sổ hồng và được cấp sổ mới vào năm 2016. 

Sau khi đối chiếu công nợ và thấy rằng số nợ trên phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, ngày 21-8-2017, ông C. đến Phòng công chứng Cai Lậy làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho một người con gái.

Trên cơ sở của hợp đồng tặng cho, Sở TN&MT tỉnh cấp sổ hồng mang tên con gái ông vào tháng 11-2017. Tuy nhiên, hiện nay Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Cai Lậy còn tạm giữ do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.

Năm 2018, theo bản án phúc thẩm dân sự về vay nợ, tòa buộc ông C. liên đới cùng vợ trả cho bà M. 729 triệu đồng…

Có vay có trả mới thỏa lòng nhau

Sau đó, phát hiện sổ hồng đã đứng tên con gái ông C. nên bà M. đi kiện, đề nghị tòa hủy. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M., tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cấp lại năm 2016 cho hộ ông C.

Đồng thời, tòa tuyên hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được ký kết giữa ông C. với con gái ký tại Văn phòng công chứng Cai Lậy, Tiền Giang và hủy sổ hồng cấp cho con gái ông đứng tên.

Cha con ông C. kháng cáo.

HĐXX phúc thẩm xét vợ ông C. tham gia giao dịch chơi hụi và vay tiền trong thời kỳ hôn nhân. Ông C. và vợ không thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên bà M. và ông C. có làm giấy giải quyết công nợ và thỏa thuận giải quyết trách nhiệm dân sự ở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh.

Tuy nhiên, để tránh nghĩa vụ trả nợ, ông C. đã làm các thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho con gái. Việc làm này của ông C. là nhằm mục đích trốn nghĩa vụ trả nợ cho bà M. nên giao dịch dân sự này vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng tặng cho là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ông C. hiện quản lý, sử dụng phần đất trên sổ hồng của hộ ông được cấp năm 2004 không bị mất. Theo đơn cớ mất của ông C., vào thời điểm trên, bà T. đang giữ. Do vậy, sổ hồng cấp năm 2016 cho ông C. không đúng quy định của pháp luật dẫn đến sổ hồng cho con gái ông sau đó không phù hợp nên cần hủy bỏ.

Tại đơn kháng cáo, ông C. và con gái cho rằng ông kinh doanh nhà trọ, quán karaoke còn thiếu nợ con gái. Vì vậy, ông để con đứng tên thửa đất để trừ nợ. Tuy nhiên, theo bản tự khai, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, ông C. trình bày để tránh tranh chấp tài sản về sau giữa con chung và con riêng nên ông buộc lòng ký hợp đồng cho tặng để sang tên phần đất nêu trên cho con riêng là có mâu thuẫn.

Trường hợp vợ vay một mình nhưng chồng phải cùng trả nợ

1. Trách nhiệm liên đới do giao dịch của một bên thực hiện

- Thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Do một bên thực hiện theo ủy quyền của người còn lại. Khi đó, mọi việc xác lập, thực hiện hay chấm dứt giao dịch đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng;

- Vợ chồng kinh doanh chung thì người trực tiếp kinh doanh là người đại diện hợp pháp cho người còn lại…

2. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

- Phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng nhau thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định cả hai vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

- Nghĩa vụ do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc dùng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra…

Như vậy, không phải mọi trường hợp vợ chồng đều phải cùng nhau trả nợ. Các trường hợp vợ chồng không phải cùng nhau liên đới trả nợ như:

- Do vợ chồng có thỏa thuận khác;

- Không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Không phải do cả hai vợ chồng cùng quyết định, thống nhất và ủy quyền hoặc đại diện cho nhau thực hiện;

- Không thuộc các nghĩa vụ mà vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm nêu tại Điều 37 Luật HN&GĐ…

(Theo Điều 27 và 37 Luật Hôn nhân và Gia đình)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm