Trịnh Xuân Thanh: ‘Không thể bắt người làm thuê chịu tiền lãi’

Sáng 10-3, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục làm việc với phần xét hỏi.

Sau hơn một ngày bị cách ly, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT công ty PVC) được đưa trở lại phòng xử để trả lời các câu hỏi của luật sư.

“Tiền thiệt hại do lãi vay chứ không phải tham ô”?

Mở đầu, luật sư đặt vấn đề vì sao PVC chưa từng thực hiện dự án nào liên quan đến nhiên liệu sinh học nhưng chủ đầu tư (PVB) vẫn lựa chọn công ty này làm nhà thầu thực hiện gói thầu TK05?

Giải thích trước HĐXX, Trịnh Xuân Thanh nói PVC chưa làm dự án Ethanol bao giờ nhưng đã thực hiện rất nhiều dự án của ngành dầu khí (như lọc dầu Dung Quất, Nhơn Trạch, Vũng Áng…), thậm chí đã triển khai tốt.

Cùng với đó, tại thời điểm ấy, PVN được phép thực hiện chủ phát huy nguồn lực từ nội bộ ngành. Những đề xuất của PVC đều công khai, PVN và PVB đều biết, không hề làm sai lệch hồ sơ.

Cũng theo bị cáo Thanh, phần xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ chỉ là các nhà xưởng, xét về năng lực xây dựng này thì với PVC là rất đơn giản.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN

Giống với ngày xét xử đầu tiên, Trịnh Xuân Thanh cho rằng nguyên nhân khiến dự án Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công là do thiếu tiền. Ngay từ đầu, bị cáo đã khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì công văn từ trên tập đoàn nên PVC buộc phải chấp hành.

Về số tiền thiệt hại hơn 543 tỉ đồng trong vụ án, bị cáo Thanh nói “rất phân vân” vì đây là số tiền rất lớn, phát sinh do lãi vay chứ không phải tham ô. Bị cáo viện dẫn đã từng phải đền số tiền hơn 30 tỉ đồng trong vụ án “cố ý làm trái” trước đó nên “không biết lấy đâu ra tiền để thực thi”, do vậy đề nghị HĐXX nghiên cứu, tránh khi ra một quyết định mà không thực thi được, “thành ra luật pháp không nghiêm minh”.

“Thời gian tháng 3-2013, bị cáo không còn điều hành PVC nữa, có công văn dừng không thi công dự án, đáng lẽ chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý hợp đồng hay đền bù hợp đồng, còn trách nhiệm triển khai tiếp là trách nhiệm của chủ đầu tư. Tiền lãi vay thì chủ đầu tư chịu, không thể bắt người đi làm thuê chịu và tới khi khởi tố vụ án bắt chúng tôi chịu trách nhiệm”, Trịnh Xuân Thanh nói.

Tiếp tục phủ nhận mua đất ở Tam Đảo

Ngoài các hành vi liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, luật sư cũng đặt nhiều câu hỏi với Trịnh Xuân Thanh về việc PVC góp 21 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ tại PVC Kinh Bắc, qua đó hợp thức tiền mua khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Về số tiền 21 tỉ đồng, bị cáo Thanh khai các kết luận, công văn mà mình ký chỉ mang tính định hướng. Bởi công văn này chỉ là chủ trương, muốn chuyển tiền phải có nghị quyết. Sau khi có kết luận của bị cáo, lẽ ra Ban TGĐ PVC phải làm tờ trình để bị cáo xin ý kiến của HĐQT rồi ra nghị quyết, tuy nhiên họ lại làm tắt, ký quyết định góp vốn 21 tỉ đồng luôn, dẫn đến sai quy trình.

Trịnh Xuân Thanh cũng phủ nhận việc chỉ đạo chuyển 21 tỉ đồng của PVC góp vốn tại PVC Kinh Bắc, qua đó gây thiệt hại hơn 13,2 tỉ đồng. “Tôi không có bất cứ một ý kiến nào về việc ứng tiền cho PVC Kinh Bắc, không biết những lời khai này ở đâu ra” – bị cáo biện bạch.

Đối với khu đất 3.400 m2 đất ở thị trấn Tam Đảo, Thanh một lần nữa khẳng định không có ý định mua khu đất này. Theo lời Thanh, khu đất do bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) mua của ai bị cáo hoàn toàn không biết, không bàn bạc gì. Bị cáo sẵn sàng đối chất với Hồng để làm rõ tình tiết trên.

“Hồng chỉ kể với bị cáo rằng làm resort để kinh doanh và bị cáo hứa sẽ mua một căn nếu triển khai. Ngoài ra bị cáo không biết gì” – bị cáo nói.

Thanh cũng đồng ý với trả lời của bị cáo Hồng trước đó về việc số tiền mua đất không liên quan gì đến tiền PVC góp vào để tăng vốn tại PVC Kinh Bắc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm