Theo Cảnh, trước khi mở phiên tòa, bị cáo đã gửi đơn tố cáo ông Hùng bỏ lọt các bản phúc cung nên nếu ông Hùng tiếp tục ngồi ghế công tố thì việc xét xử có thể không khách quan, gây bất lợi cho bị cáo. Sau nhiều lần hỏi lại mà bị cáo vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm, hội đồng xét xử phải hội ý tới hai lần, cuối cùng đã chấp nhận yêu cầu của Cảnh khi kết luận rằng lo ngại của bị cáo hoàn toàn có cơ sở.
Trước đây, tháng 8-2005, Cảnh bị bắt khi đang nhận năm triệu đồng của một đương sự để “chạy” thủ tục hải quan. Công an quận Phú Nhuận đã khởi tố Cảnh và Nguyễn Thị Thái Hương (đồng nghiệp của Cảnh, người trực tiếp thương lượng việc chung chi). Tháng 10-2006, VKS quận Phú Nhuận ra cáo trạng truy tố Cảnh về tội nhận hối lộ, còn Hương được tha do “không đủ cơ sở kết tội”.
Sau đó, TAND quận Phú Nhuận đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu Viện khôi phục điều tra đối với Hương và làm rõ một số tình tiết liên quan. Nhận lại hồ sơ, Viện đã phúc cung Cảnh bốn lần, trong đó có hai lần do ông Hùng trực tiếp lập biên bản. Tuy nhiên, bốn bản phúc cung này sau đó bị Viện “quên” đưa vào hồ sơ. Vì vậy, Cảnh đã gửi đơn tố cáo ông Hùng lên lãnh đạo VKSND quận Phú Nhuận và VKSND TP.HCM, cho rằng bốn bản phúc cung này chứa đựng những tình tiết quan trọng, nếu để ra ngoài hồ sơ sẽ gây bất lợi cho Cảnh khi xét xử.
Trong vụ này, bên cạnh dấu hiệu lọt người, lọt tội còn có một khía cạnh pháp lý khác đáng chú ý. Đó là quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án) của bị can, bị cáo. Tại phiên xử, sau khi bị Cảnh đề nghị thay đổi, kiểm sát viên Hồ Xuân Hùng đã phản bác là yêu cầu này trái quy định tố tụng hình sự. Tuy nhiên, lý lẽ của ông Hùng đã không được tòa đồng tình bởi theo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo có quyền đề nghị thay đổi kiểm sát viên trong trường hợp có căn cứ rõ ràng để cho rằng kiểm sát viên đó có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ở đây, việc bị cáo đâm đơn tố cáo ông Hùng cố tình “quên” các bản phúc cung trước đó chính là căn cứ để cho rằng ông Hùng có thể không vô tư khi thực thi nhiệm vụ công tố.
Trên thực tế, việc bị can, bị cáo đề nghị thay đổi kiểm sát viên như trên không phải là hiếm. Khi việc này xảy ra tại phiên tòa, nếu chấp nhận đề nghị của bị cáo thì hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn xử để viện trưởng VKS cùng cấp hoặc viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp cử kiểm sát viên khác thay thế.
THANH LƯU